Chiều 5/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Họp báo công bố và quán triệt triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành Nông nghiệp và Môi trường, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến
Tham dự buổi họp báo có Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Khoa học - Công nghệ; Văn phòng Bộ, các viện, trường trực thuộc, các tổ chức trong nước và quốc tế, cùng một số đơn vị liên quan cùng đông đảo các phóng viên thông tấn báo chí tham dự.

Toàn cảnh buổi họp báo diễn ra tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chiều 5/5.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng chuyển đổi số, lần đầu tiên tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, khoa học công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên vị trí “là đột phá quan trọng hàng đầu” với những mục tiêu quan trọng, cụ thể cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2024/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ; ngày 27/03/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về Kế hoạch đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó tập trung vào 7 nhiệm vụ then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Ngành để vươn tầm thế giới.
Hội nghị chính thức diễn ra tại Bắc Ninh trong 2 ngày
Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, sự tham gia đầy đủ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc triển khai Nghị quyết 57 là điều rất đáng mừng, nhất là khi hai Bộ: Tài nguyên và Môi trường và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa hợp nhất hôm 1/3. “Đây là nguồn cổ vũ rất lớn cho những người làm công tác nghiên cứu, nhất là trong bối cảnh cả nước đang vươn mình vào kỷ nguyên mới”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc họp báo.
Để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 03/NQ-CP và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ đã xây dựng được các nội dung cơ bản để tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 57 tại Bắc Ninh ngày 10/5 tới.
Theo Thứ trưởng, chương trình tổ chức hội nghị sẽ tổ chức trong 2 ngày, từ 9-10/5, bao gồm trưng bày triển làm từ ngày 9/5. Tiếp đó, sáng 10/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiến hành thảo luận chung. Trong phiên chiều 10/5, các đại biểu sẽ chia 4 tiểu ban để thảo luận sâu hơn các vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp và môi trường.
“Công việc là rất gấp, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao độ để hội nghị sắp tới được diễn ra thắng lợi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Buổi họp báo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Hội nghị sẽ cụ thể hóa những định hướng lớn trong phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, cũng như cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đây sẽ là hội nghị quan trọng nhằm quán triệt tinh thần đổi mới, đặt nền tảng cho việc xây dựng hệ thống chính sách và chương trình hành động trong toàn ngành. Qua đó, thống nhất nhận thức và trách nhiệm trong quá trình triển khai.
Việc tổ chức họp báo cũng như hội nghị sắp tới thể hiện quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái.
Trong khuôn khổ hội nghị, các bên liên quan cùng trao đổi, đề xuất giải pháp phù hợp, đảm bảo thực thi Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị một cách đồng bộ, hiệu quả và sát với thực tiễn.
'Đại hội KHCN đầu tiên' của Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành Nông nghiệp và Môi trường tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, trong 2 ngày 9-10/5.

Vụ trưởng Vụ KH-CN Nguyễn Văn Long phát biểu tại họp báo.
Theo chương trình, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ thiết lập 26 gian hàng trưng bày các sản phẩm KHCN tiêu biểu. Ngày 10/5, Hội nghị sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường; buổi chiều cùng ngày sẽ diễn ra 4 phiên họp chuyên đề nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Môi trường. Dự kiến có 450-500 đại biểu tham dự trực tiếp.
Vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Văn Long khẳng định: Phiên họp toàn thể chính là “đại hội KHCN đầu tiên” của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
“Hội nghị nhằm quán triệt, thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo thông qua các văn bản hành chính, đồng thời báo cáo kết quả và vướng mắc, tồn tại trong thời gian vừa qua để kịp thời đề ra giải pháp, biến chủ trường thành hành động. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ sẽ được phân công rõ trách nhiệm để triển khai Quyết định số 503/QĐ-BNNMT. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng sẽ xem xét về việc kí thỏa thuận hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong triển khai KHCN trên thực tế”, ông Long cho biết.
Tốc độ tăng trưởng toàn ngành trong quý I cao nhất những năm gần đây

Ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính phát biểu
Ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết, trong thời gian 4 tháng vừa qua, kinh tế - xã hội và toàn ngành có nhiều biến đổi. Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 4% như Đảng, Nhà nước giao, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Nghị quyết 25 nhằm triển khai 8 nhóm nhiệm vụ và 26 nhiệm vụ cụ thể.
Trong quý I/2025, toàn ngành tăng trưởng 3,74% - cao nhất trong những năm gần đây, tăng cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao. Sau 4 tháng đầu năm 2025, toàn ngành xuất khẩu khoảng 21,15 tỷ USD, tăng 17%. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 11,6 tỷ USD; nhóm lâm sản 5,56 tỷ USD; thủy sản đạt 3,09 tỷ USD. Đặc biệt, toàn ngành xuất siêu 5,18 tỷ USD.
Một số mặt hàng có giá xuất khẩu tăng trưởng mạnh, như: cà phê tăng 67%, cao su tăng 32%, hạt tiêu tăng 62%, hạt điều tăng 27%.
Các thị trường trọng điểm của nông sản đều duy trì sức tăng trưởng, như Hoa Kỳ tăng 10,2%; Trung Quốc tăng 17,1%.
Đưa khoa học công nghệ của ngành vươn tầm thế giới
Theo TS Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, ngày 27/3/2025, Bộ đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về Kế hoạch đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Kế hoạch đã tích hợp đầy đủ mục tiêu của hai ngành Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với những chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực.

TS Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ.
Kế hoạch tập trung vào các nhóm nhiệm vụ lớn, then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của ngành. Trong đó bao gồm: Nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy; hoàn thiện thể chế chính sách; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong Bộ và các doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Theo ông Long, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc rà soát để có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền, đưa ra nội dung đầu tư trọng tâm trọng điểm để có cơ sở đổi mới sáng tạo, đưa khoa học công nghệ của ngành vươn tầm thế giới. Trong đó, rà soát tất cả các quy trình nội bộ, xây dựng hệ thống dịch vụ công xuyên suốt, hướng tới mục tiêu năm 2030, toàn bộ thủ tục hành chính sẽ được xử lý trên không gian mạng (toàn trình).

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường điều phối phần hỏi - đáp.
Sớm ban hành kiến trúc chuyển đổi số 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường
Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số (Bộ NN-MT) Khuất Hoàng Kiên, Cục đang có kế hoạch rà soát , dữ liệu của Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT trước đây để kết hợp lại thành nền tảng chung của Bộ NN-MT. Đặc biệt, đẩy mạnh tích hợp các hồ sơ công việc, dịch vụ công trực tuyến để sớm vận hành và phục vụ người dân.

Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số (Bộ NN-MT) Khuất Hoàng Kiên cho biết, Cục sẽ sớm ban hành kiến trúc chuyển đổi số 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Phó Cục trưởng Khuất Hoàng Kiên thông tin thêm, Cục sẽ sớm ban hành kiến trúc chuyển đổi số 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, trong đó cụ thể hóa kế hoạch và cơ sở dữ liệu trọng điểm của từng lĩnh vực, từng dự án.
“Cơ sở thông tin về đất đai mang tính đặc thù cao, nguồn dữ liệu chủ yếu gắn với chính quyền địa phương. Để thu thập số liệu chính xác đòi hỏi nguồn lực lớn. Vì vậy, chúng tôi đang tích cực tham mưu Bộ NN-MT và Chính phủ để khuyến khích các địa phương thu thập, rà soát dữ liệu nhanh chóng.
Cục Chuyển đổi số hiện đang tích cực hệ thống hóa thông tin để vận hành theo Luật Đất đai trước tháng 6, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ. Đồng thời, nghiên cứu về các công cụ, nền tảng chia sẻ dữ liệu phù hợp để hỗ trợ các cơ quan Chính phủ quản lý và vận hành công việc hiệu quả”, ông Kiên cho biết.

PV báo Tiền phong nêu câu hỏi tại buổi họp báo.
7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tạo đột phá về khoa học công nghệ
Trả lời phóng viên tại buổi họp báo về Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều đã có Nghị quyết, văn bản quán triệt triển khai Nghị quyết 57. Kể từ ngày 1/3/2025 khi thực hiện hợp nhất, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) trên cơ sở tích hợp kế hoạch của hai Bộ.
Ngày 27/3/2025, Bộ Nông nghiệp và Mội trường đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Kế hoạch đã bám sát tinh thần của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời đưa ra đầy đủ mục tiêu chung, chỉ tiêu cụ thể của ngành Nông nghiệp và Môi trường với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.:
Nhóm 1 về nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Trong đó, phấn đấu 25% lãnh đạo Bộ và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, các đơn vị trong Bộ phấn đấu 5% nhân sự cấp ủy có chuyên môn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Để có cơ sở đánh giá, Vụ Khoa học và Công nghệ cũng đang chủ trì xây dựng bộ tiêu chí để định kỳ hàng năm xếp hạng chuyển đổi số (DTI) trong từng đơn vị và toàn ngành. Mặt khác, ngày 10/5 tới đây, Bộ NN-MT sẽ công bố chuyên trang tuyên truyền để thông tin các hoạt động triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ.
Nhóm 2 về hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thời gian qua, toàn ngành Nông nghiệp và Môi trường có 17 Luật chuyên ngành; 5 Luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn và 2 Luật khác của Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, Lãnh đạo Bộ đang yêu cầu tất cả các đơn vị trong Bộ rà soát toàn diện để sửa đổi, bổ sung, đảm bảo sự thống nhất, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCQG), quy chuẩn quốc gia (QCQG). Tính đến hết tháng 4 năm 2025, Bộ hiện đang quản lý 1.832 TCVN và 175 QCVN. Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã cắt giảm 149 QCVN nhằm tinh giản hóa hệ thống và giảm bớt rào cản cho doanh nghiệp. Trong năm 2025, các đơn vị trực thuộc tiếp tục rà soát và dự kiến cắt giảm thêm 59 QCVN cùng nhiều tiêu chuẩn khác.
Định hướng là bám sát quy định của Đảng, Nhà nước, trong đó có Nghị quyết 57, đồng thời tiếp tục cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho phát triển và chủ động hội nhập quốc tế. “Nếu Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì cần quan tâm đến tiêu chuẩn, quy chuẩn cho hàng sản xuất trong nước có phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hay không“, ông Long nhấn mạnh.
Hiện nay, lãnh đạo Bộ cùng các Cục, Vụ, các đơn vị đang quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này. Bộ đã đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ về kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Về cơ bản, hệ thống TCVN và QCVN đã cơ bản bao quát đầy đủ các chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành. Tuy nhiên, Bộ vẫn tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng đồng bộ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Đặc biệt, ưu tiên nhóm sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm mới, chủ lực.
Nhóm 3 về tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hiện nay, Bộ NN-MT đang có 21 tổ chức khoa học và công nghệ, 34 trường đào tạo cùng lực lượng 11.467 nhà khoa học, trong đó có 44 Giáo sư.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nhiều nơi đã cũ kỹ. Nhiều trang thiết bị công nghệ cũ kỹ, lạc hậu. Nhiều quy trình cần cập nhật và nhân lực vận hành cũng còn tồn tại những bất cập. Lãnh đạo Bộ hiện đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc rà soát đánh giá thực trạng để có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền. Đồng thời, đưa ra nội dung đầu tư trọng tâm trọng điểm để có cơ sở nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, không chỉ ở tầm khu vực mà phải vươn ra thế giới.
Bên cạnh đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi số, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý, nghiên cứu, sản xuất. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu “sống, sạch, đủ“. Hiện, Cục Chuyển đổi số đang chủ trì xây dựng các hạ tầng chuyển đổi số, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia của từng nhóm chuyên ngành.
Nhóm 4 về phát triển, trọng dụng nhân tài. Bộ sẽ nghiên cứu để có các cơ chế trọng dụng nhân tài, phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ cho ngành, bao gồm cơ chế chính sách thu hút cả các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng đề án đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhóm 5 về đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Việc chuyển đổi số 100% là yêu cầu cấp bách, bắt buộc phải thực hiện. Theo ông Long, nhu cầu hiện nay là tất cả văn bản chính sách cần phải phù hợp cho công tác chuyển đổi số, bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng, nhân lực . Mặt khác, cần rà soát toàn bộ quy trình nội bộ của từng cơ quan, từng bộ phận.
Yêu cầu đặt ra cho dịch vụ công là toàn bộ phải xử lý trên không gian mạng (toàn trình), hướng tới người dân, doanh nghiệp. Bộ NN-MT phấn đấu đến năm 2030 sẽ toàn trình toàn bộ. Trước mắt năm 2025, tối thiểu các thủ tục trực tuyến phải đạt 85% và tăng dần trong 5 năm tới. Tất cả quy trình sẽ được rà soát, cắt giảm để phục vụ công tác chuyển đổi số của Bộ.
Nhóm 6 về thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Ông Long cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp trong ngành NN-MT đã mạnh dạn, tiên phong có những ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả. Tại Hội nghị ngày 10/5 tới đây, dự kiến doanh nghiệp tiên phong sẽ trình diễn các ứng dụng và thậm chí ký thỏa thuận hợp tác với Bộ để đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất.
Mục tiêu của nhóm nhiệm vụ này là Bộ và các đơn vị thuộc Bộ sẽ hỗ trợ tối đa doanh nghiệp để chuyển đổi số, ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nhóm 7 về tăng cường hơp tác quốc tế. Từ năm 2021 đến nay, toàn ngành NN-MT đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Hiện có rất nhiều chương trình khoa học công nghệ được triển khai đi đôi với việc ứng dụng mạnh mẽ nhiều thành quả khoa học công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Ngành cũng chủ động hội nhập quốc tế về cơ chế, chính sách.
Theo ông Long, việc thực hiện nhóm nhiệm vụ này sẽ tiếp tục duy trì, phát huy tối đa nguồn lực hiện có và huy động cộng đồng quốc tế tham gia hỗ trợ, hợp tác mạnh mẽ hơn với ngành NN-MT. Hoạt động hợp không chỉ song phương, đa phương mà còn theo các chuyên đề, chuyên ngành. Mục tiêu là làm sao tận dụng tối đa quy trình công nghệ, chuyên gia, nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển ngành và chủ động hội nhập quốc tế.
15 vấn đề lớn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển KHCN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nêu rõ 15 vấn đề lớn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển KHCN.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ 15 vấn đề lớn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển KHCN.
Thứ nhất, Thứ trưởng nhấn mạnh, đội ngũ các nhà khoa học cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay số lượng giáo sư, tiến sĩ có xu hướng giảm; thu nhập chưa tương xứng khiến việc thu hút và giữ chân nhân tài gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.
Thứ hai, cần rà soát lại trình tự phê duyệt các đề tài khoa học để đảm bảo mục tiêu, nội dung và đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Khoa học phải bắt nguồn từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn. Bộ KHCN hiện có các quỹ hỗ trợ, song cần thúc đẩy cơ chế để chuyển nhanh từ nghiên cứu sang ứng dụng công nghệ hiệu quả.
Thứ ba, cần cân đối chi ngân sách cấp Trung ương và địa phương.
Thứ tư, Thứ trưởng cho rằng vẫn còn tồn tại tư duy "bao cấp", triệt tiêu động lực sáng tạo, do đó, cần có cơ chế đột phá để giải phóng tư duy này, hướng tới việc làm giàu từ KHCN.
Thứ năm, cần tháo gỡ khó khăn giải quyết khó khăn trong “ba tự chủ”: tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho các đơn vị nghiên cứu.
Thứ sáu, hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực. Hiện nay có nhiều trang thiết bị được đầu tư nhưng không đồng bộ, tần suất sử dụng thấp, dẫn đến khấu hao chậm và lãng phí. Cần rà soát, quy hoạch đầu tư theo hướng đồng bộ và hiệu quả.
Thứ bảy, cần có cơ chế sử dụng đất đai phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ KHCN.
Thứ tám, cần xây dựng cơ chế tín dụng riêng để hỗ trợ cho các cá nhân, nhóm nghiên cứu triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Thứ chín, việc phê duyệt kinh phí cho nhiệm vụ khoa học cần được thực hiện đúng tiến độ để tránh tình trạng chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu.
Thứ mười, cần hình thành và đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực chủ lực của ngành.
Thứ mười một, các chương trình KHCN cần được đầu tư tập trung, đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí.
Thứ mười hai, những chương trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn lớn, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất cần được ưu tiên về cơ chế và nguồn lực.
Thứ mười ba, cần xây dựng các cơ chế đặc biệt cho các chương trình KHCN phù hợp với đặc thù, nhu cầu và chiến lược phát triển của từng bộ ngành cụ thể.
Thứ mười bốn, các chương trình phục vụ cho Bộ chuyên ngành phù hợp.
Thứ mười lăm, kinh phí nghiên cứu nên được phân bổ theo chuỗi, theo kíp, bảo đảm tính liên tục và hiệu quả.
KHCN được xác định là động lực then chốt cho phát triển bền vững
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến quán triệt các lãnh đạo các Cục, Vụ ngành Nông nghiệp và Môi trường trực tiếp trình bày báo cáo tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW dự kiến tổ chức vào ngày 10/5/2025. Nội dung cần truyền tải đầy đủ và rõ nét tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 57.
Thứ trưởng khẳng định, trong các văn kiện nền tảng như Hiến pháp hay Cương lĩnh chính trị, khoa học công nghệ được xác định là trụ cột, là động lực then chốt cho sự phát triển bền vững và khẳng định vị thế quốc gia. Trong Hội nghị, khoa học và công nghệ phải được xem là “binh chủng” quan trọng.
Thứ trưởng đặc biệt kêu gọi các nhà báo, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước quan tâm, đồng hành, phản ánh sâu sắc và toàn diện các nội dung, kết quả của Hội nghị, góp phần thúc đẩy việc hiện thực hóa các mục tiêu lớn mà Nghị quyết 57 đặt ra.
Theo kế hoạch, ngày 10/5/2025, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành Nông nghiệp và Môi trường. Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Môi trường; trao đổi, thảo luận về một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tại và chuyền đối số quốc gia của Ngành Nông nghiệp và Môi trường. Tại Hội nghị, dự kiến sẽ tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW giữa các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, doanh nghiệp. Dự kiến sẽ có 450-500 đại biểu tham dự trực tiếp, bao gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương. |