Từ luật đến đời sống: Bình Dương dần xanh lại

14:03 09/04/2025

Ba năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 không phải là khoảng thời gian dài trong chu trình thay đổi môi trường đô thị. Nhưng tại Bình Dương – một địa phương có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao bậc nhất cả nước thì từng bước chuyển nhỏ đều mang ý nghĩa lớn.

Nước thải được xử lý, không gian sống đang dần “thở” trở lại

Chất lượng không khí tốt hơn, nước thải được kiểm soát, rác thải sinh hoạt dần được phân loại tại nguồn – tất cả đều là kết quả của những nỗ lực âm thầm nhưng bền bỉ trong ba năm qua. Đó là khoảng thời gian địa phương thực hiện Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Phía sau những con số ấy là câu chuyện dài về chuyển biến trong nhận thức và hành động.

Nếu như những năm trước, nhắc đến Bình Dương là nhắc đến áp lực môi trường từ các khu công nghiệp, thì hôm nay, con số chỉ còn 3 ngày có chất lượng không khí ở mức trung bình - xấu trong năm 2024 là một tín hiệu tích cực. 

Việc triển khai hơn 130 trạm quan trắc khí thải và nước thải tự động giúp cơ quan chức năng kiểm soát liên tục các nguồn thải lớn – một bước tiến quan trọng trong giám sát môi trường theo thời gian thực. Thay vì chờ phát hiện vi phạm, ngành chức năng giờ đây có thể chủ động dự báo và phòng ngừa.

Không chỉ môi trường không khí, vấn đề xử lý nước thải cũng có nhiều chuyển biến. Dù rằng, con số 53,8% nước thải đô thị được thu gom và xử lý có thể chưa đạt mức kỳ vọng ở một tỉnh phát triển như Bình Dương, nhưng xét trong bối cảnh hạ tầng kỹ thuật còn nhiều điểm nghẽn, đây là kết quả của một quá trình đầu tư nghiêm túc. Các nhà máy xử lý nước thải tại Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên đang phát huy hiệu quả, trong khi các dự án mới tại Bến Cát và các đô thị vệ tinh đang được khẩn trương triển khai.

Nhìn xa hơn, đây là bước đi không thể thiếu để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị bền vững. Đây là điều mà Bình Dương đã theo đuổi từ khi gia nhập Mạng lưới đô thị thông minh thế giới.

Ba năm qua cũng là giai đoạn các địa phương tại Bình Dương siết chặt kỷ cương trong quản lý môi trường. Riêng TP.Thuận An trong năm 2024 đã xử phạt gần 4,8 tỷ đồng đối với các hành vi vi phạm môi trường, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn. Việc hậu kiểm được thực hiện nghiêm túc, với các trường hợp không chấp hành sẽ buộc ngừng hoạt động – điều từng là điểm yếu trong công tác xử lý trước đây.

Nhưng điểm đáng chú ý hơn là việc chính quyền địa phương ngày càng chủ động hơn trong việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm từ sớm.

Bình Dương xanh hóa khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Chặng đường khó nhưng cần thiết

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được đánh giá là tiến bộ, đặt nền móng cho quản lý môi trường hiện đại. Nhưng để luật “sống” trong thực tế đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương.

Bình Dương đã sớm triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực môi trường, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Ở cấp phường, các kế hoạch hành động cụ thể như nâng tỷ lệ đấu nối nước thải sinh hoạt, thu gom rác đúng chuẩn, tập huấn phân loại rác… đang ngày một rõ nét.

Nhiều mô hình cộng đồng như “Khu phố không rác” hay “Ngày thứ bảy văn minh” không chỉ dừng ở khẩu hiệu mà trở thành thói quen sống tại các khu dân cư. 

Một tín hiệu tích cực khác là ngày càng nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương chủ động chuyển đổi công nghệ, đầu tư vào xử lý nước thải, khí thải thay vì chờ bị phạt. Không ít khu công nghiệp hiện đã áp dụng công nghệ tuần hoàn – biến chất thải thành nguyên liệu cho các chu trình sản xuất khác.

Chuyển đổi này không chỉ vì sức ép từ luật, mà còn bởi doanh nghiệp nhận ra: phát triển bền vững không còn là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc nếu muốn tồn tại dài lâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bình Dương – bằng nỗ lực thầm lặng nhưng quyết liệt đang cho thấy sự thay đổi không nằm ở những chương trình hoành tráng, mà ở chính những hành động cụ thể hàng ngày: một trạm quan trắc mới, một khu phố thêm mảng xanh, một hộ gia đình biết cách phân loại rác.

L.Nhi