Dù tiềm năng lớn nhưng việc thiếu quy hoạch, vốn và công nghệ; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nuôi biển Việt Nam loay hoay trước bài toán hiện đại hóa.
Ba nút thắt lớn cản bước nuôi biển bền vững
Chia sẻ về tiềm năng, lợi thế của nước ta để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) theo hướng xanh và bền vững, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group cho hay, Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển nuôi biển xanh và bền vững nhờ đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn lợi thủy sản phong phú.
Trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh chiến lược kinh tế biển, ngành nuôi trồng thủy sản có cơ hội lớn để phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và gia tăng giá trị kinh tế.
Tuy nhiên, theo bà Bình, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, ngành cần có chiến lược quy hoạch đồng bộ, đảm bảo sử dụng hạ tầng bền vững, phù hợp với từng vùng biển. Việc chuyển đổi sang các mô hình nuôi biển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng vật liệu thân thiện như lồng HDPE thay thế lồng gỗ, phao xốp là xu hướng tất yếu.
Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển nuôi biển xanh và bền vững nhờ đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn lợi thủy sản phong phú. Ảnh: Hồng Thắm.
Bên cạnh những thuận lợi, bà Bình cũng chỉ ra 3 khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi biển.
Một là chưa có quy hoạch chi tiết và tiêu chuẩn rõ ràng cho hạ tầng nuôi biển theo từng vùng. Từ khu vực trong 3 hải lý, từ 3 - 6 hải lý, đến ngoài 6 hải lý vẫn chưa có quy định cụ thể về thiết kế lồng bè, vật liệu sử dụng cũng như điều kiện thích hợp cho từng loài nuôi. Điều này khiến việc đầu tư và mở rộng mô hình nuôi biển gặp nhiều khó khăn, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Hai là thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp với bão, lũ, sóng lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hộ nuôi trồng. Các mô hình nuôi truyền thống với lồng bè bằng gỗ, tre, phao xốp dễ bị hư hại khi có bão, gây tổn thất kinh tế nặng nề. Ngay cả các doanh nghiệp đầu tư bài bản cũng gặp rủi ro lớn, đòi hỏi có công nghệ giám sát, cảnh báo thời tiết và giải pháp giảm thiểu tác động từ thiên nhiên.
Ba là hạn chế về vốn và công nghệ. Phát triển nuôi biển theo hướng công nghệ cao, bền vững đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng hiện nay nhiều hộ nuôi, hợp tác xã và doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ tài chính. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến giám sát, hệ thống cho ăn tự động vẫn còn hạn chế, làm giảm hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trước những khó khăn này, điều cấp thiết trước mắt theo bà Bình là cần xây dựng một khung quy hoạch chi tiết, xác định rõ tiêu chuẩn hạ tầng, vật liệu, mô hình nuôi phù hợp với từng khu vực (gần bờ, xa bờ). Việc có định hướng rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp và người nuôi đầu tư hiệu quả, hạn chế rủi ro cũng như tối ưu hóa sản xuất.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tài chính, vay vốn ưu đãi trung và dài hạn, bảo hiểm nuôi trồng cần được đẩy mạnh để giúp doanh nghiệp và người nuôi có điều kiện đầu tư vào các mô hình bền vững, hiện đại hơn. Việc thay thế lồng bè gỗ, phao xốp bằng vật liệu HDPE đang là xu hướng tất yếu, không chỉ giúp tăng tuổi thọ hệ thống nuôi mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường biển.
Ngoài chính sách tài chính, hỗ trợ đào tạo cũng là yếu tố quan trọng. Bà con cần được hướng dẫn để hiểu rõ lợi ích và phương pháp sử dụng vật liệu HDPE, cách ứng dụng công nghệ vào nuôi biển cũng như kỹ năng quản lý rủi ro trước tác động của thiên tai.
"Khi có đủ kiến thức và điều kiện cần thiết, người nuôi sẽ tự tin hơn trong việc chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng bền vững, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế", bà Bình nhấn mạnh.
Bà Bình cho hay, sau cơn bão Yagi (bão số 3) năm 2024, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh, Hải Phòng chịu thiệt hại nặng nề do áp dụng phương pháp nuôi truyền thống với lồng bè gỗ, tre, phao xốp kém bền vững. Khi bão lớn xảy ra, tài sản bị cuốn trôi, lồng nuôi bị phá hủy, trở thành rác thải trôi nổi, gây tổn thất kinh tế và ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại là giải pháp tất yếu để phát triển ngành nuôi biển bền vững.
Bà dẫn chứng điển hình từ STP Group - đơn vị đã triển khai mô hình nuôi rong sụn kết hợp hàu Thái Bình Dương tại vùng biển Vân Đồn (Quảng Ninh), sử dụng hệ thống lồng phao làm từ vật liệu nhựa HDPE thay thế cho lồng tre, gỗ truyền thống. Mô hình này không chỉ tăng độ bền, giảm tác động môi trường mà còn hạn chế thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
Mô hình nuôi rong sụn kết hợp hàu Thái Bình Dương tại vùng biển Vân Đồn, Quảng Ninh của STP Group. Ảnh: Hồng Thắm.
Dù đã đầu tư bài bản, sau cơn bão Yagi, STP vẫn chịu thiệt hại gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng công nghệ định vị hiện đại, đơn vị đã thu hồi được khoảng 95% hạ tầng nuôi, giảm đáng kể tổn thất so với phương pháp truyền thống. Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò của khoa học công nghệ trong việc giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản cho người nuôi biển.
Hệ thống lồng phao HDPE còn được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tự động hóa quá trình cho ăn, giám sát môi trường nuôi qua cảm biến và camera. AI cũng hỗ trợ dự báo thời tiết, cảnh báo bão, định vị thiết bị khi gặp sự cố giúp người nuôi chủ động ứng phó, nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển nuôi biển xanh, bền vững. Việc chuyển đổi sang các mô hình nuôi trồng hiện đại, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và hệ thống lồng, phao chắc chắn không chỉ giúp bảo vệ tài sản của người nuôi mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, hướng đến nền kinh tế thủy sản phát triển bền vững trong tương lai”, bà Bình khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam sở hữu 1 triệu km² mặt nước biển và đường bờ biển dài 3.200km, song hoạt động nuôi biển hiện mới chỉ tập trung ở khu vực ven bờ. Tới đây giao được các khu vực biển thì doanh nghiệp có thể đầu tư công nghệ cao, tiến tới nuôi biển như Na Uy. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản Việt Nam nói riêng vẫn còn rất lớn.
“Cơn bão số 3 đã gây tổn thất nặng nề với ngành nông nghiệp, trong đó thủy sản chịu thiệt hại nhiều nhất. Phần lớn hệ thống lồng bè nuôi biển hiện nay vẫn sử dụng vật liệu truyền thống, khó chống chọi với sóng gió lớn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn, chủ động thích ứng với thiên tai ngày càng cực đoan”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Hồng Thắm - Quang Dũng