Sáng 16/4, tại Hà Nội, Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu tổ chức Hội thảo tham vấn đánh giá tác động thị trường carbon trong nước của Việt Nam trong giai đoạn thí điểm.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các bộ: Công Thương, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường cùng đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội và các bên liên quan.
Việt Nam đã ban hành khung pháp lý cho việc vận hành thị trường các-bon. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về “Tổ chức và phát triển thị trường các-bon” tại Điều 139. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, và sắp tới sẽ có nghị định 06 sửa đổi, bổ sung.
Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Lộ trình cụ thể phát triển thị trường carbon có giai đoạn thí điểm từ năm 2025-2028, và vận hành chính thức từ năm 2029. Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính - và đặc biệt là Đề án “Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam” được phê duyệt ngày 24/1/2025 - đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đưa thị trường carbon vào vận hành đúng theo lộ trình. Trong đó, thí điểm sàn giao dịch carbon ngay trong năm 2025.
Để cung cấp cơ sở khoa học phục vụ quá trình xây dựng và lựa chọn mô hình thiết kế và quản lý thị trường carbon (ETS) của Việt Nam, Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã triển khai hỗ trợ kỹ thuật “Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam”. Hỗ trợ kỹ thuật có mục tiêu quan trọng là phân tích, xây dựng mô hình và đánh giá tác động của các phương án thiết kế, quản lý khác nhau cho thị trường carbon. Từ đó, đưa ra những khuyến nghị để Cục Biến đổi khí hậu xem xét trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc vận hành hiệu quả thị trường trong giai đoạn thí điểm sắp tới.
Đánh giá tác động của các phương án quản lý ETS giai đoạn thí điểm được thực hiện từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025. Hoạt động đánh giá thực hiện ở cấp độ vi mô (doanh nghiệp), từ đó, mở rộng theo ngành và theo các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế như GDP, đầu tư, tiêu dùng và việc làm.
Nghiên cứu tập trung vào các tác động đối với 114 doanh nghiệp (bao gồm 56 cơ sở có sản xuất clinker thuộc lĩnh vực xi măng, 27 cơ sở sản xuất thép thô thuộc lĩnh vực sắt, thép và 31 cơ sở nhiệt điện), với tổng phát thải khí nhà kính chiếm gần 43% phát thải khí nhà kính quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2020-2022.
Trong giai đoạn này, cơ quan quản lý đang ưu tiên làm rõ một số vấn đề, bao gồm: Các phương án thiết kế thị trường, tác động kinh tế - xã hội khi thí điểm, phương án sử dụng tín chỉ carbon để bù trừ, hạ tầng và năng lực triển khai thị trường, và cuối cùng về quản lý thị trường. Theo các chuyên gia tư vấn, để vận hành hiệu quả thị trường carbon từ giai đoạn thí điểm, cần thiết phải cân nhắc các phương án thiết kế và quản lý thị trường, đánh giá tác động của từng phương án và lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Điều này nhằm đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả tối ưu và minh bạch khi vận hành chính thức.
Ông John Robert Cotton – Quản lý Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á nhận định, việc triển khai thị trường carbon sẽ giúp đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt là nâng cao năng lực quản lý các vấn đề về môi trường, cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ động tuân thủ các quy định về phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh khi vươn tầm quốc tế. Thị trường cũng sẽ thúc đẩy các nguồn tài chính, đầu tư công nghệ cho chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam thời gian tới.
Tại hội thảo, các diễn giả đã cập nhật các quy định và lộ trình thị trường carbon trong nước trong giai đoạn thí điểm của Việt Nam; trình bày và thảo luận kinh nghiệm quốc tế về các phương án quản lý và đánh giá tác động cho ETS và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; trình bày kết quả phân tích bối cảnh quốc gia và các phương án quản lý cho giai đoạn thí điểm ETS của Việt Nam; thảo luận về kết quả đánh giá tác động của các phương án quản lý ETS trong giai đoạn thí điểm của Việt Nam.
Khánh Ly