Việc chuyển hóa điểm ô nhiễm thành khu sinh hoạt cộng đồng là hành động cụ thể được các cấp chính quyền cũng như người dân TP.HCM quan tâm và cùng chung tay góp sức vì một thành phố xanh, sạch và thân thiện môi trường.
Sở TN&MT TP.HCM vừa có báo cáo về kết quả thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và đô thị văn minh trên địa bàn thành phố. Theo đó, nhằm góp phần nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố, Sở TN&MT đã thường xuyên bố trí, cử nhân sự tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ NTM thành phố, đồng thời, tham gia các đoàn khảo sát, học tập mô hình về xây dựng NTM do Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP.HCM tổ chức.
Còn đối với Chương trình đô thị văn minh trên địa bàn thành phố, Sở TN&MT TP.HCM cũng đã tham gia hướng dẫn cho cán bộ, công chức các cấp triển khai thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng đô thị văn minh các cấp trong Hội nghị về hướng dẫn thực hiện các tiêu chí đô thị văn minh theo Kế hoạch số 4006/KH-UBND ngày 28/10/2022 của UBND TP.HCM do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức.
Trên địa bàn thành phố hiện có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.192 ha, tất cả đều có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; 2 cụm công nghiệp có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; 2 làng nghề với 1.145 hộ đã có phương án bảo vệ môi trường được phê duyệt và triển khai theo quy định và có 5 trang trại nuôi heo tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh với số lượng 14.818 con, đa số đều có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi (biogas, đệm sinh học, VAC).
Về công tác xây dựng cảnh quan, vệ sinh môi trường nông thôn, TP.HCM có 4 Đề án phục hồi cải tạo cảnh quan ao hồ, bảo vệ chất lượng nước với diện tích hơn 73.385 m2 nước mặt, kênh mương được cải tạo cảnh quan; hơn 238.933 km tuyến đường được trồng hoa, cây xanh; 35.621 km tuyến đường được chiếu sáng. Trên địa bàn huyện Nhà Bè thực hiện nạo vét 18 tuyến kênh mương với chiều dài 9.936 m.
Theo kết quả tự đánh giá của UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, tính đến hết tháng 12/2024, toàn TP.HCM có 85/217 phường xã đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và Kế hoạch số 4006/KH-UBND của UBND TP.HCM. Hiện nay, TP.HCM chưa triển khai đánh giá, công nhận chuẩn đô thị văn minh đối với cấp quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh.
Theo nhận định của Sở TN&MT TP.HCM, việc thực hiện các tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng đô thị văn minh đã được triển khai với nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực như tổ chức đối thoại, lắng nghe góp ý, hiến kế trong công tác quản lý môi trường của người dân; vận động người dân ký cam kết không xả rác bừa bãi, thực hiện bỏ rác thải đúng nơi quy định.
Đồng thời, vận động các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; tổ chức tiếp nhận, xử lý nhanh phản ánh về môi trường của người dân; lắp đặt camera giám sát, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường …; đặc biệt, việc tổ chức xóa điểm ô nhiễm, tổng vệ sinh và chuyển hóa điểm ô nhiễm thành khu sinh hoạt cộng đồng là hành động cụ thể đã được các cấp chính quyền cũng như người dân thành phố quan tâm và cùng chung tay góp sức vì một thành phố xanh, sạch và thân thiện môi trường.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2026 - 2030 và Chương trình đô thị văn minh theo định hướng chung của Chính phủ và các Bộ ngành, TP.HCM tiếp tục thực hiện và duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí môi trường cấp huyện, xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao gắn với thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường”, Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường.
Trọng tâm là công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường; kiểm tra giám sát chặt chẽ các nguồn chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ..., xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; thường xuyên rà soát, chuyển hóa điểm ô nhiễm thành công trình xanh, sạch, đẹp hay khu sinh hoạt hoạt cộng đồng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng; tăng cường sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ môi trường nông thôn, phát huy các nguồn lực, tăng cường vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
Tường Tú