Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ngành nông nghiệp Hà Nội đang từng bước chuyển mình để thích ứng.
Mùa vụ xuân 2025 ghi dấu bước tiến quan trọng với việc triển khai mô hình cấy máy kết hợp hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) theo hướng hữu cơ – một giải pháp canh tác phát thải thấp đang dần trở thành xu thế tất yếu.
Mô hình SRI (System of Rice Intensification) được biết đến như một phương pháp canh tác giúp giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Không giữ nước ngập thường xuyên, hạn chế phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tiết kiệm lượng giống gieo sạ. Các yếu tố trên góp phần làm giảm lượng khí nhà kính phát thải từ ruộng lúa, đặc biệt là khí methane (CH₄) - một trong những thủ phạm chính gây nóng lên toàn cầu.
Tại huyện Mỹ Đức, Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến là đơn vị tiên phong áp dụng SRI từ năm 2003. Đến nay, toàn bộ 530ha lúa vụ xuân đã được cấy theo phương pháp này, với hiệu quả rõ rệt: cây lúa khỏe, ít sâu bệnh, không dùng thuốc hóa học và giảm chi phí sản xuất. Quan trọng hơn, lượng nước tưới giảm tới 30% so với canh tác truyền thống. Đó là điều đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt và cần được sử dụng bền vững.
Thành phố Hà Nội đang hỗ trợ mạnh mẽ mô hình này, với chính sách trợ giá 50% cho máy móc, giống, phân bón và công cấy. Cùng với đó là các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tri thức, nâng cao nhận thức cho nông dân về sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, hơn 70% diện tích lúa toàn thành phố đã áp dụng SRI, trong đó 10% thực hiện đầy đủ quy trình hữu cơ, giảm phát thải. Mục tiêu đến năm 2030 là mở rộng con số này lên 90%, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn và bền vững – nơi mỗi mùa vụ không chỉ cho ra hạt gạo sạch mà còn là hành động thiết thực chống lại khủng hoảng khí hậu.
K.Linh