Chiến lược tài chính các-bon của Hải Phòng

15:02 23/04/2025

Hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Hải Phòng đang từng bước cụ thể hóa cam kết khí hậu bằng các đề xuất chính sách mang tính đột phá.

Một trong những điểm nhấn mới đây là kiến nghị thí điểm cơ chế tài chính xoay quanh tín chỉ các-bon, cho phép thành phố tái đầu tư nguồn thu từ giao dịch này vào các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn.

Hiện Hải Phòng là đầu tàu công nghiệp khu vực phía Bắc, với 18 khu công nghiệp, hai khu kinh tế ven biển, tỷ lệ lấp đầy cao. Trong số đó, KCN DEEP C và Nam Cầu Kiền là những điểm sáng trong hành trình chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Tại các KCN này phát thải được kiểm soát và tuần hoàn tài nguyên được thúc đẩy.

KCN DEEP C. Ảnh: Nguồn ITN

Nhận thức rõ áp lực môi trường đi kèm với tăng trưởng công nghiệp, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động khí hậu với mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm ít nhất 43,5% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Giai đoạn 2025-2050, Hải Phòng sẽ cập nhật các kịch bản các-bon thấp, mở rộng nhóm cơ sở phát thải lớn phải kiểm kê và cắt giảm khí nhà kính, chuẩn bị nền tảng cho cam kết phát thải ròng bằng 0.

Đề xuất mới từ thành phố cho thấy quyết tâm khai thác tiềm năng từ thị trường các-bon dù đây là một cơ chế tài chính còn mới tại Việt Nam. Theo đó, tín chỉ các-bon từ các dự án đầu tư công được phép giao dịch với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Toàn bộ nguồn thu sẽ trở thành ngân sách địa phương, được sử dụng cho các dự án xanh: phát triển năng lượng tái tạo, chuyển đổi giao thông sạch, số hóa quản trị môi trường, dự kiến vận hành thí điểm từ giữa năm 2025, hướng đến vận hành chính thức vào năm 2029.

K.Linh