Ngày 3/6, Viện Môi trường Nông nghiệp tổ chức hội thảo “Cải thiện phương pháp và quản trị hệ thống kiểm kê khí nhà kính trong canh tác lúa tại Việt Nam”.
Hoạt động trồng lúa tại Việt Nam hiện đóng góp khoảng 46% tổng lượng khí nhà kính phát thải trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải và thúc đẩy sản xuất bền vững.
Trong 3 năm qua, Chính phủ Úc và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) đã tài trợ để Viện Môi trường Nông nghiệp hợp tác với Đại học Công nghệ Queensland thực hiện dự án “Hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính trong sản xuất lúa tại Việt Nam”. Các hoạt động tập trung vào phát triển hệ thống kiểm kê khí nhà kính nông nghiệp, tập trung vào hệ thống canh tác lúa. Cụ thể là phát triển các hệ số phát thải mới trong chuyển đổi canh tác lúa gạo truyền thống sang lúa tôm và từ xử lý rơm rạ. Từ đó, xác định các thách thức về quản lý phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo.
Tại hội thảo, các chuyên gia thuộc Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ các kết quả của dự án. Cụ thể, dự ánđã xác định những thách thức đối với kiểm kê KHÍ NHÀ KÍNH về khoảng trống chính sách, số liệu hoạt, phương pháp thu thập, hệ số phát thải, quản trị kiểm kê...; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính khí nhà kính cho canh tác lúa; phân tích các hạn chế, tồn tại trong tổ chức quản trị hệ thống kiểm kê khí nhà kính.
Dự án cũng đã có các thí nghiệm thực địa để đo đạc mức phát thải hướng đến xây dựng hệ số phát thải cho hai hệ thống lúa gồm: lúa có bón phân ủ compost từ rơm rạ và luân canh lúa và tôm. Sử dụng mô hình DayCent để mô hình hóa các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính cho hệ thống canh tác lúa theo các kịch bản biến đổi khí hậu. Từ đó, đề xuất các giải pháp quản lý kiểm kê khí nhà kính trong nông nghiệp dựa trên hệ thống sản xuất lúa, cũng như nhân rộng cho các cây trồng khác.
Theo ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, việc cải thiện phương pháp kiểm kê khí nhà kính, lựa chọn các biện pháp giảm phát thải, xây dựng và triển khai hệ thống đo đạc – báo cáo – thẩm định (MRV), phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nông nghiệp đang là định hướng ưu tiên của Viện.
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu của ACIAR (Úc) Leigh Vial chia sẻ: Khí hậu là một trong những chủ đề nghiên cứu rất quan trọng của ACIAR. Trong hợp tác với Viện Môi trường nông nghiệp, vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đều được xem xét, đánh giá. Điều này phù hợp với xu thế chung về triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu mang lại đồng thời nhiều lợi ích, đặc biệt là hướng tới đối tượng dễ bị tổn thương như các hộ nông dân.
“Thực tế, cây trồng rất nhạy cảm với khí hậu và nếu quan tâm đúng mức tới yếu tố thích ứng, năng suất và chất lượng cây trồng vẫn có thể ngang bằng hoặc tăng lên dưới tác động của biến đổi khí hậu. ACIAR đã chứng minh được điều này qua mô hình triển khai ở Tây Nam nước Úc” – ông Leigh Vial nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác của ACIAR, Đại học Công nghệ Queensland (QUT) với Viện Môi trường Nông nghiệp (IAE) để thực hiện dự án “Hỗ trợ kiểm kê khí nhà kính trong sản xuất lúa tại Việt Nam”. Các kết quả từ dự án giúp đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách, xây dựng mạng lưới kết nối nhằm phát triển hệ thống kiểm kê khí nhà kính trong canh tác lúa nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.
Hướng dẫn kỹ thuật của dự án có thể trở thành tài liệu tham khảo để cải thiện số liệu phục vụ công tác kiểm kê khí nhà kính. Trong đó nhấn mạnh sự kết hợp các công nghệ tiên tiến (viễn thám và AI, các nền tảng số) vào phương pháp thu thập số liệu hoạt động, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về thu thập số liệu hoạt động phục vụ cho kiểm kê khí nhà kính và các hoạt động giảm phát thải.
Khánh Ly