Quy định thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong ngành Công an

09:00 07/06/2025

Theo Thông tư số 42/2025/TT-BCA do Bộ Công an vừa ban hành ban hành ngày 5/6/2025; Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc bí mật nhà nước về an ninh, có tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng trở lên.

Đối với dự án thuộc bí mật nhà nước về an ninh, có tổng mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng do Cục trưởng Cục Y tế phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Thông tư 42/2025/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2025; thay thế Thông tư số 69/2020/TT-BCA ngày 22/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong Công an nhân dân.

Theo quy định tại Thông tư này, thời điểm đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư. Mỗi dự án đầu tư lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường, trong đó thể hiện rõ dấu chỉ độ mật hoặc có văn bản xác định độ mật của cấp có thẩm quyền.

Nội dung thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường.

Về việc tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường: Thông tư quy định, Cục Y tế thành lập hội đồng thẩm định; tổ chức họp hội đồng thẩm định trong thời hạn 3 ngày làm việc (đối với dự án đầu tư nhóm C), 5 ngày làm việc (đối với dự án đầu tư nhóm A, B) kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Hội đồng thẩm định có ít nhất 7 thành viên, gồm: 1 chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Cục Y tế; 1 thành viên thư ký; các thành viên khác là lãnh đạo, chuyên gia có chuyên môn về môi trường hoặc lĩnh vực khác có liên quan đến dự án đầu tư thuộc các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. Thành viên hội đồng thẩm định phải có tài liệu thể hiện đáp ứng được các tiêu chí trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường.

Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định. Các thành viên hội đồng thẩm định có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, viết bản nhận xét về nội dung thẩm định quy định tại khoản 7 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường, chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến nhận xét, đánh giá của mình và phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước;

Thông tư quy định thời hạn cấp giấy phép môi trường thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường nhưng phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an. Trong đó, đối với dự án đầu tư, cơ sở nhóm A: Thời hạn thẩm định cấp giấy phép môi trường không quá 25 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Đối với dự án đầu tư, cơ sở nhóm B: Thời hạn thẩm định cấp giấy phép môi trường không quá 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Còn đối với dự án đầu tư, cơ sở nhóm C: Thời hạn thẩm định cấp giấy phép môi trường không quá 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

K.An