Hòa Bình: Hiệu quả từ mô hình dùng than sinh học cải tạo đất

16:07 01/07/2025

Từ tháng 3/2025, Hội Người cao tuổi tỉnh Hòa Bình hợp tác với Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi quốc tế (HAI) đã triển khai thí điểm mô hình trồng tre lục trúc kết hợp với sản xuất than sinh học tại xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình).

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án GIS998 “Thúc đẩy các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu do người cao tuổi thực hiện nhằm cải thiện thu nhập” tại 2 thôn Sơn Phú và Sèo. 

Người dân được hướng dẫn chi tiết cách sản xuất than sinh học từ phụ phẩm nông lâm nghiệp, đặc biệt là từ tre, cách ủ than sinh học cùng phân chuồng, cách sử dụng chế phẩm vi sinh để tạo ra nguồn phân bón giàu dưỡng chất, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật và tổ chức tham quan mô hình điểm ở Bắc Giang, Dự án còn hỗ trợ 100 triệu đồng vốn ban đầu để cải tạo vườn và mua hơn 3.200 cây giống măng lục trúc Đài Loan.

Sản phẩm than sinh học do người dân sản xuất, ủ cùng phân chuồng theo tỷ lệ nhất định để bón cho cây trồng.

Qua gần 3 tháng triển khai, việc sử dụng than sinh học kết hợp ủ phân chuồng bón cho đất đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Ngô và dong – hai loại cây kinh tế chủ lực của địa phương - vốn cần nhiều dinh dưỡng để sinh trưởng đều sinh trưởng tốt. Các luống ngô đều nhiều bắp hơn, thân cây mập, lá dày xanh hơn so với dùng phân hóa học. Cây cho sinh khối lớn hơn, đồng nghĩa với việc nông dân có thêm nguyên liệu để tiếp tục làm than sinh học - tạo nên vòng tuần hoàn sinh học bền vững ngay tại vườn nhà. Tương tự khi bón cho vườn cây ăn quả cũng giúp cây ra lá nảy chồi tốt, giảm sâu bệnh. 

Mô hình đã góp phần khẳng định hiệu quả sử dụng than sinh học trong cải tạo đất, tăng chất lượng, năng suất cây trồng và tiết kiệm chi phí, giảm sử dụng phân bón hóa học, mở ra hướng đi mới về canh tác nông nghiệp sinh thái tại xã Cao Sơn. Hoạt động cũng giúp nâng cao vai trò của người cao tuổi, đóng góp cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương. 

Trung Nguyên