Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các kết quả về phát triển hạ tầng, thay đổi cơ cấu kinh tế, môi trường có nhiều tích cực, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Những mục tiêu
Theo kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình đã cơ bản hoàn thành toàn bộ các mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao, trong đó, có 5/8 chỉ tiêu chủ yếu đã hoàn thành, vượt mức mục tiêu đề ra.
Đối với mục tiêu cấp xã, cả nước đã có 6.084/7.669 xã (79,3%) đạt chuẩn NTM (tăng 10,6% so với cuối năm 2021 và cơ bản hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao); có 2.567 xã (42,2%) đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 2.064 xã so với cuối năm 2021, vượt mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao) và 743 xã (12,2%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 700 xã so với cuối năm 2021, vượt mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao).
Về mục tiêu cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, huyện NTM nâng cao, cả nước đã có 329/646 đơn vị cấp huyện (51%) thuộc 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 116 đơn vị so với cuối năm 2021, vượt mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao), trong số các huyện đạt chuẩn NTM đến nay, đã có 48/240 huyện (20%) đã đạt chuẩn NTM được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao).
Đến nay đã có 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 11 tỉnh so với cuối năm 2021), trong đó, có 19 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Có 12 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 80% mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao).
Về thu nhập bình quân của người dân nông thôn: Năm 2024 đạt khoảng 54 triệu đồng/người/năm, tăng 1,3 lần so với năm 2020. Dự kiến năm
2025 đạt khỏang 58 triệu đồng/người/năm, tăng 1.4 lần so với năm 2020, cơ bản hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 được giao).
Phát triển hạ tầng hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu
Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục khẳng định vai trò then chốt, tạo nền tảng thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững và toàn diện. Các địa phương đã chủ động rà soát, lồng ghép nhiều nguồn lực, đặc biệt là vốn đầu tư công trung hạn, để triển khai đồng bộ hệ thống hạ tầng thiết yếu theo hướng hiện đại, phù hợp đặc thù vùng miền và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hạ tầng giao thông có chuyển biến tích cực, tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 02 đạt 87,3% (tăng 6,3% so với cuối năm 2021); một số địa phương như Hải Phòng, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường trục xã, liên xã, tăng cường kết nối vùng và phục vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hệ thống thủy lợi và phòng, chống thiên tai được ưu tiên đầu tư tại vùng hạn hán, xâm nhập mặn; tiêu chí số 03 đạt 98,1% số xã (tăng 1,6%). Một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng tại Long An, Bến Tre phát huy hiệu quả rõ rệt.
Hệ thống điện nông thôn tiếp tục được mở rộng, bảo đảm cung cấp ổn định cho trên 99,7% hộ dân; tiêu chí số 04 đạt 96,5% xã (tăng 1,7%). Hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ: tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 05 (Trường học) đạt 87,5% (tăng 7,3%); tiêu chí số 06 (Cơ sở vật chất văn hóa) đạt 85,7% (tăng 4,8%); tiêu chí số 07, 08 (Thương mại nông thôn, Thông tin - Truyền thông) đều đạt 97% (tăng 1,6%); tiêu chí số 09 (Nhà ở dân cư) đạt 88,4% (tăng 3,5%). Chuyển đổi số trong hạ tầng có nhiều tiến bộ. Nhiều tỉnh như Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Tháp đã phủ sóng Internet 100% xã và triển khai tổ công nghệ số cộng đồng, thu hẹp khoảng cách số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số nông thôn.
Một điểm mới là bước đầu hình thành hạ tầng logistics nông nghiệp tại cấp xã. Một số địa phương như Hải Dương, Hòa Bình đã xây dựng điểm thu mua, sơ chế, bảo quản nông sản, góp phần kết nối sản xuất với thị trường, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng.
Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn tiếp tục được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.
Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân khoảng 3,18%/năm; kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều địa phương hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với vùng nguyên liệu và hệ thống logistics; giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp tăng bình quân 5–10% so với năm 2020.
Hệ thống hợp tác xã tiếp tục được củng cố, đến năm 2025 có khoảng 22.162 HTX nông nghiệp hoạt động, nhiều HTX chuyển đổi mô hình theo hướng liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm OCOP. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng mạnh, nhất là trong lĩnh vực chế biến và tiêu thụ nông sản. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục là điểm nhấn, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Đến tháng 6/2025, cả nước có 16.543 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (tăng 12.056 sản phẩm so với năm 2020), với 8.924 chủ thể tham gia, chủ yếu là HTX và doanh nghiệp. Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được đẩy mạnh, giúp khẳng định thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Các mô hình du lịch nông nghiệp, cộng đồng và làng nghề tiếp tục phát triển, gắn kết hài hòa giữa văn hóa, cảnh quan và sản phẩm OCOP. Hiện có khoảng 580 mô hình du lịch nông thôn đang hoạt động, trong đó 382 điểm đã được công nhận. Nhiều địa phương phát triển ngành nghề gắn với đào tạo nghề, bảo tồn làng nghề truyền thống, tạo việc làm và sinh kế bền vững. Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp ngày càng được chú trọng. Nhiều mô hình sản xuất thông minh, số hóa quy trình, truy xuất nguồn gốc và thương mại điện tử đã được triển khai. Một số địa phương xây dựng sàn giao dịch nông sản trực tuyến, phát triển HTX số, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhiều mô hình bảo vệ môi trường vùng nông thôn
Giai đoạn 2021–2025, công tác bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn có chuyển biến mạnh mẽ, không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn mà còn nâng cao rõ rệt ý thức, trách nhiệm của người dân đối với môi trường sống. Các địa phương đã triển khai đồng bộ các mô hình phù hợp thực tiễn như: phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; cải tạo cảnh quan thôn, xóm; chỉnh trang nghĩa trang; di dời chuồng trại ra khỏi khu dân cư. Đến giữa năm 2025, 87,5% xã đạt tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm (tăng 2,5% so với cuối năm 2021); 100% xã tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo được nhân rộng như: “Tuyến đường hoa NTM”, “Thôn không rác”, “Khu dân cư kiểu mẫu sáng – xanh – sạch – đẹp”… góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt, xây dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh.
Một số tỉnh như Bắc Giang, Hậu Giang, Hà Tĩnh, Đồng Tháp đã phát huy hiệu quả trong việc hình thành hệ thống cây xanh, chi ếu sáng, điểm sinh hoạt cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường. Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện vì môi trường” và các hoạt động tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm được duy trì thường xuyên, thu hút sự tham gia tích cực của người dân, đoàn thể và học sinh. Nhiều công trình như nhà tiêu hợp vệ sinh, điểm thu gom rác, bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng nông thôn.
Bảo Châu