Trước thực trạng ô nhiễm nhiều dòng sông, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng Đề án thí điểm phục hồi sông nhằm triển khai Kế hoạch 746 và Chỉ thị của Thủ tướng về kiểm soát ô nhiễm nước.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Hồng Hiếu cho biết, trong bối cảnh nhiều dòng sông trên cả nước đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chủ động xây dựng Đề án thí điểm phục hồi các dòng sông, một bước đi quan trọng nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 746 và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông trọng điểm.
Theo ông Nguyễn Hồng Hiếu, Đề án được định hướng như một chương trình tổng thể và bền vững. Mục tiêu chính là phục hồi chất lượng nguồn nước thông qua đánh giá lại thực trạng sử dụng, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, thu gom và xử lý nước thải triệt để, đồng thời đề xuất giải pháp công trình và phi công trình phù hợp với từng địa phương.
Nội dung quan trọng của đề án bao gồm rà soát, công bố và kiểm tra nghiêm ngặt hoạt động xả thải của tổ chức, cá nhân; nâng cấp hệ thống quan trắc chất lượng nước trên các lưu vực sông để giám sát liên tục và kịp thời phát hiện vi phạm. Song song đó, đề án cũng đặt ra yêu cầu kiểm soát vận hành công trình thủy lợi (vốn trước đây thiết kế theo mục tiêu đơn lẻ), nay cần điều chỉnh để đáp ứng nhiều mục tiêu, trong đó có duy trì dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước.
Một điểm nhấn đáng chú ý là xây dựng và ban hành mô hình quản lý lưu vực sông với cách tiếp cận tổng hợp, liên ngành, áp dụng thí điểm tại các địa phương để từ đó mở rộng phạm vi. Đồng thời, đề án khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống thu gom, xử lý rác thải và nước thải, xây dựng các công trình điều tiết nhằm đảm bảo duy trì lưu lượng nước cho các con sông, nhất là tại khu vực đô thị đang bị suy giảm dòng chảy nghiêm trọng.
Ông Hiếu cho biết, để triển khai thành công, Đề án cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đóng vai trò kiểm soát nguồn thải và giám sát chất lượng nước; Bộ Xây dựng có nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách và thúc đẩy đầu tư xã hội hóa hệ thống xử lý nước thải; Bộ Công Thương quản lý hoạt động sản xuất công nghiệp và yêu cầu đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ các địa phương; Bộ Công an đảm nhiệm việc điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về xả thải, gây ô nhiễm môi trường nước.
Bên cạnh vai trò điều phối của Nhà nước, ông Hiếu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện đề án. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư công nghệ tiết kiệm nước, thiết bị xử lý nước thải thân thiện với môi trường, đồng thời tham gia các hoạt động nạo vét, cải tạo dòng chảy cũng như những đóng góp thiết thực để bảo vệ tài nguyên nước. Đề án cũng khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của khối doanh nghiệp như một đối tác đồng hành cùng Nhà nước trong quá trình phục hồi và bảo vệ các dòng sông.
“Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể từng bước làm sống lại những dòng sông đang bị tổn thương nghiêm trọng, trả lại sức sống cho nguồn nước và sinh kế bền vững cho người dân”, ông Hiếu khẳng định.
Nguyễn Thủy