Hà Nội “hồi sinh” dòng sông nội đô: Cần dòng chảy, cần trách nhiệm và cần giải pháp đồng bộ

14:10 10/07/2025

Đối với Hà Nội, hồi sinh các dòng sông không chỉ là bài toán kỹ thuật mà là một chiến lược lâu dài đòi hỏi hành động cụ thể, sự phối hợp liên ngành và sự thức tỉnh từ cộng đồng.

Sông muốn sạch phải có nước sạch

Trước thực trạng nhiều dòng sông nội đô đang ngày càng ô nhiễm, cạn kiệt và suy thoái cả về chất lượng lẫn chức năng sinh thái, TP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải tạo, phục hồi hệ thống sông hồ trên địa bàn. Trong đó, nguyên tắc xuyên suốt được ngành nông nghiệp và môi trường Thủ đô xác định là: “Muốn sông sạch, phải có nước sạch. Tắc ở đâu, phải khơi thông ở đó”.

Chia sẻ tại Tọa đàm Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết do Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 10/7, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại các dòng sông nội đô đã trở nên nghiêm trọng, kể cả một số hồ chứa cũng đang bị ảnh hưởng rõ rệt. Nguyên nhân không chỉ đến từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, mà còn do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao của người dân, tình trạng lấn chiếm lòng sông, mặt hồ, và đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch hệ thống xả thải trước đây.

“Không ít khu vực vẫn xả nước thải sinh hoạt, công nghiệp trực tiếp ra sông mà không qua xử lý. Nhiều cụm công nghiệp cũ chưa được thiết kế hệ thống thu gom tách biệt, khiến ô nhiễm lan rộng và dai dẳng”, ông Hoa chỉ rõ.

Tọa đàm Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Một yếu tố không kém phần quan trọng khiến các dòng sông ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng là tình trạng thiếu dòng chảy. Do mực nước tại sông Hồng, sông Thái Bình những năm gần đây thường xuyên xuống thấp hơn thiết kế đê, hệ thống thủy lợi truyền thống phần lớn xây dựng trong giai đoạn 1960–1970 đã không còn phù hợp. Theo ông Hoa, có nơi mực nước hiện nay thấp hơn thiết kế từ 2 đến 4 mét, khiến các trạm bơm không thể hoạt động nếu không được nâng cấp, bổ sung công nghệ hiện đại.

Hà Nội đang từng bước tháo gỡ khó khăn này thông qua hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng thủy lợi. Trong đó đáng chú ý là Dự án xây dựng trạm bơm tại cụm đầu mối Liên Mạc, nhằm đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ. Dự án đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 900 tỷ đồng. “Chúng tôi đang thẩm định trình UBND TP phê duyệt. Giai đoạn 1 sẽ bơm nước vào sông Nhuệ, giai đoạn 2 tiếp tục kè từ đê Liên Mạc đến cầu Trắng”, ông Hoa cho biết.

Bên cạnh đó, một số phương án bổ sung nguồn nước từ lưu vực sông Đáy cũng đang được nghiên cứu triển khai tại khu vực huyện Phúc Thọ (cũ), dự kiến sẽ lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong thời gian tới.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đang phối hợp triển khai cải tạo, nâng cấp nhiều hồ thủy lợi, vừa tạo không gian cảnh quan, kết hợp phát triển du lịch.

Nâng cao chất lượng quản lý hệ thống thủy lợi

Song hành với giải pháp công trình, Hà Nội còn tập trung nâng cao chất lượng quản lý hệ thống thủy lợi hiện hữu. Các công ty công trình thủy lợi được giao khảo sát, rà soát hệ thống bơm, kênh mương, hồ chứa với tinh thần xử lý các điểm nghẽn, không để ách tắc gây ô nhiễm lan rộng.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng chú trọng lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường nước vào phong trào xây dựng nông thôn mới. Theo ông Hoa, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp triển khai cải tạo, nâng cấp nhiều hồ thủy lợi, vừa đảm bảo chức năng dự trữ nước, phục vụ tưới tiêu, vừa tạo không gian cảnh quan, kết hợp phát triển du lịch sinh thái. “Chúng tôi đã cải tạo được nhiều hồ từng ô nhiễm nghiêm trọng, nay trở thành nơi tắm mát, sinh hoạt cộng đồng như ở Hoài Đức, Đông Anh. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của cách tiếp cận tổng hợp”, ông Hoa chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội

Một nhiệm vụ không thể thiếu là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở và người dân. “Sở đã tham mưu UBND TP siết chặt hơn trách nhiệm cấp xã, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức được vai trò của mình trong bảo vệ sông hồ, môi trường sống”, ông Hoa khẳng định.

Thông qua Tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội kêu gọi sự chung tay, chia sẻ từ các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận trong việc bảo vệ dòng chảy chung. “Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các Sở, ban ngành không chỉ bằng nguồn lực, mà bằng cả tâm huyết và trách nhiệm để cùng nhau giữ gìn nguồn nước sạch từ thượng nguồn đến hạ lưu”, ông Hoa nói.

Việt Anh