TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ, gần đây, Hà Nội có rất nhiều biện pháp “đúng” và “trúng” nhằm cải thiện chất lượng sông hồ, thể hiện sự quyết tâm của chính quyền.
Bài học từ kinh nghiệm quốc tế
Chia sẻ tại “Tọa đàm Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết” ngày 10/7, ông Hoàng Dương Tùng cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã thể hiện quyết tâm đáng ghi nhận khi thực hiện nhiều biện pháp “đúng và trúng” để cải thiện chất lượng sông hồ.
Ông Tùng dẫn ra nhiều ví dụ quốc tế để nhấn mạnh vai trò tiên quyết của quyết tâm chính trị. Đơn cử, Trung Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD để cứu sông Dương Tử, Israel làm sạch sông Jordan hay Hungary phục hồi hồ Balaton… “Những thành công ấy không tự nhiên mà có. Trước hết phải là sự quyết tâm của chính quyền, hiện thực hóa bằng việc giải quyết cụ thể từng vấn đề”, ông nhấn mạnh.
Kinh nghiệm nổi bật mà chuyên gia Hoàng Dương Tùng chia sẻ là cách phân vùng quản lý. Ở Trung Quốc, lưu vực sông Dương Tử được chia thành các lưu vực và tiểu lưu vực riêng biệt để đánh giá, kiểm soát và xử lý. Theo ông, Việt Nam cũng nên tham khảo cách tiếp cận này, chia nhỏ từng khu vực liên quan đến từng con sông, nắm rõ mức độ ô nhiễm để thiết kế phương án xử lý phù hợp.
Ông cũng lưu ý rằng không thể chỉ dựa vào giải pháp tập trung, mà cần phối hợp với các giải pháp phân tán. Ví dụ, Hà Nội có thể lắp các trạm bơm nhỏ dọc sông để bổ cập nước ngay tại chỗ - một cách làm nhanh, tiết kiệm và linh hoạt hơn so với chỉ chờ bơm nước từ cuối nguồn.
Điểm then chốt khác mà ông Tùng nhấn mạnh là ứng dụng công nghệ số và quan trắc thông minh. Nhiều nước đã triển khai hệ thống cảm biến giá rẻ dọc sông để quan trắc chất lượng nước theo thời gian thực, công khai ngay trên mạng cho chính quyền và người dân giám sát. “Trách nhiệm bảo vệ sông không thể chỉ dồn cho một bộ ngành nào. Phải gắn liền trách nhiệm đến từng địa phương, từng xã phường”, ông nói.
Cần tăng cường quan trắc trực tuyến
Theo ông Tùng, Hà Nội đã triển khai chính quyền 2 cấp, do đó phải tăng cường trách nhiệm của cấp xã, cấp phường. Với mô hình chính quyền hai cấp hiện nay, ông Tùng đề xuất Hà Nội cần tăng cường phân cấp rõ ràng và trách nhiệm kiểm soát nguồn thải ở từng xã, phường. Các nước khác đã làm tốt bằng việc xây dựng hệ thống quản lý trên nền tảng GIS, xác định cụ thể ai quản lý đoạn sông nào, ai chịu trách nhiệm khi phát sinh ô nhiễm…
Ông Tùng nêu ví dụ cụ thể về yêu cầu lắp đặt thiết bị quan trắc thông minh với những cơ sở xả thải trên 10m³/ngày. “Dùng bao nhiêu, thải bao nhiêu, phát ngay trực tiếp lên hệ thống. Như thế mới kiểm soát được nguồn thải, điều tiết kịp thời. Đây là điều mà chúng ta phải học tập”, ông Tùng chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Tùng, cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề kinh phí. Ông chỉ rõ rằng Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ USD để làm sạch sông Dương Tử. “Nếu không có nguồn lực xứng đáng thì không thể kỳ vọng kết quả. Muốn sông sạch, chúng ta phải có ngân sách đủ mạnh để đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, công trình bổ cập nước, quan trắc thông minh,” ông nhấn mạnh.
Nói về nỗ lực của Hà Nội, vị chuyên gia đánh giá cao những bước đi gần đây, đặc biệt là với sông Tô Lịch nơi đã có chuyển biến rõ rệt, công tác quản lý được giao trách nhiệm đến tận phường, xã. Ông bày tỏ hy vọng Hà Nội sẽ tiếp tục giữ được tinh thần quyết liệt, đồng thời không ngừng đổi mới tư duy, áp dụng công nghệ số để quản lý tốt hơn.
“Mỗi dòng sông có đặc điểm riêng, không thể áp dụng chung một công thức. Để có giải pháp riêng hiệu quả, chúng ta cần dữ liệu đủ chi tiết, quan trắc số hóa, và một hệ thống quản lý minh bạch đến tận tiểu lưu vực,” ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Minh Khang