Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

16:28 17/07/2025

Trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp và môi trường đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển mình. Trong đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mô hình canh tác theo hướng thích ứng, bền vững đã được nhiều địa phương chủ động triển khai.

Linh hoạt cơ cấu cây trồng

Tại Thanh Hóa, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang tập trung vào việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn quả hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản. Những vùng đất cao, khó giữ nước hoặc thường xuyên bị hạn hán được ưu tiên chuyển đổi để tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm thiểu rủi ro sản xuất.

Bên cạnh lợi thế về chủ động nguồn nước, việc trồng rau màu, cây trồng ngắn ngày còn giúp tăng số vụ gieo trồng, rút ngắn chu kỳ thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Một số mô hình áp dụng hệ thống nhà lưới, tưới tiết kiệm, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… đã được nhân rộng ở nhiều địa phương. Nhờ đó, nhiều vùng đất trước đây sản xuất bấp bênh do hạn hán hoặc thiếu đầu tư đã từng bước chuyển mình, hình thành vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao.

Theo thống kê từ ngành nông nghiệp Thanh Hóa, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt hơn 860 ha đất lúa hiệu quả thấp sang cây trồng khác. Trong đó, diện tích chuyển sang trồng cây hàng năm chiếm hơn 670 ha, cây lâu năm khoảng 150 ha và một phần diện tích chuyển sang kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy một số nơi còn chuyển đổi tự phát, chưa có định hướng thị trường và chưa gắn kết với quy hoạch phát triển bền vững.

 

Canh tác thuận thiên ở vùng ven biển

Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề từ xâm nhập mặn và biến đổi thủy văn, mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa đang được xem là hướng đi hiệu quả để duy trì sinh kế và bảo vệ môi trường.

Mô hình này tận dụng đặc điểm mùa mưa ngọt hóa để trồng lúa và mùa khô để nuôi tôm. Trên cùng một diện tích, nông dân có thể luân canh một vụ lúa và một vụ tôm, vừa hạn chế tác động của mặn xâm nhập, vừa tối ưu sử dụng tài nguyên đất, nước. Đến nay, diện tích tôm - lúa của vùng đã mở rộng lên trên 100.000 ha.

Đây là mô hình canh tác “thuận thiên” - tức là tôn trọng và thích ứng với điều kiện tự nhiên thay vì can thiệp mạnh mẽ bằng hóa chất hay biện pháp cơ giới. Việc luân canh giữa tôm và lúa giúp cải thiện môi trường đất, hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, mô hình này còn tạo ra sản phẩm nông sản sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bền vững trong nước và xuất khẩu.

Hiện nay, một số hợp tác xã và doanh nghiệp đã phối hợp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tôm - lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP hoặc GlobalGAP. Các sản phẩm gạo hữu cơ và tôm sạch được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường. Một số đơn vị còn đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tạo cơ sở để phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền gắn với địa danh và hệ sinh thái bản địa.

Mô hình lúa tôm được triển khai từ nhiều năm nay tại các địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: Theo báo An Giang

Hướng tới nền nông nghiệp thông minh và bền vững

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mô hình canh tác không chỉ là giải pháp ứng phó trước mắt với biến đổi khí hậu, mà còn là bước đi cần thiết trong tiến trình hiện đại hóa và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để những mô hình này phát huy hiệu quả dài hạn, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất.

Việc chuyển đổi cần dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, tuân thủ quy hoạch và gắn với nhu cầu thị trường. Các địa phương cần tăng cường đầu tư hạ tầng thủy lợi, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm, cơ giới hóa sản xuất và số hóa quản lý vùng trồng. Đồng thời, công tác tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống cây trồng - vật nuôi thích ứng khí hậu, kết nối thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng cần được đẩy mạnh.

Về lâu dài, các mô hình sản xuất như rau màu công nghệ cao ở miền Trung hay tôm - lúa ở ĐBSCL cần được tích hợp vào các chiến lược phát triển nông nghiệp thông minh với yếu tố bền vững làm trung tâm. Đây chính là hướng đi thiết thực để đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập nông dân và thích ứng hiệu quả với bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.

K.Linh