Tại Sơn La - một trong những địa phương có diện tích rừng lớn và đa dạng sinh học cao, việc bảo tồn thiên nhiên đang được viết tiếp theo hướng bền vững hơn: gắn kết giữa phục hồi hệ sinh thái và phát triển sinh kế.
Giữ rừng bằng bảo tồn loài và phục hồi rừng
Tỉnh Sơn La là nơi hội tụ nhiều hệ sinh thái rừng đặc hữu, với các khu bảo tồn thiên nhiên như Xuân Nha, Tà Xùa hay Vân Hồ. Đây cũng là nơi cư trú của những loài động, thực vật quý hiếm như thông đỏ, sa mu dầu, bách xanh núi đá hay vượn đen má trắng (loài linh trưởng đang được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - IUCN xếp vào nhóm nguy cấp toàn cầu).
Trong gần 10 năm qua, bằng nguồn lực xã hội hóa, các hoạt động bảo tồn do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) khởi xướng đã góp phần “giữ chân” sự sống cho những cánh rừng già. Các chương trình phục hồi rừng, bảo tồn loài đang được triển khai bài bản: từ nhân giống cây bản địa tại vườn ươm, gieo hạt bằng phương pháp bom hạt, đến quản lý nguồn gen quý hiếm. Cùng với đó là sự hiện diện thường trực của đội ngũ kỹ thuật tại các xã vùng đệm như Vân Hồ, Xuân Nha, Song Khủa… nơi các hoạt động bảo vệ, tuần tra rừng được gắn liền với tuyên truyền cộng đồng.
Không còn là những chiến dịch ngắn hạn, bảo tồn ở Sơn La đã trở thành chuỗi hành động có chiều sâu, có gắn kết giữa tri thức khoa học với tri thức bản địa, giữa dữ liệu nghiên cứu với thực tiễn sống của người dân miền núi. Sự hình thành các nhóm bảo tồn tại chỗ, nơi người dân trực tiếp tham gia giám sát môi trường sống của loài vượn hay bảo vệ diện tích rừng đang dần trở thành phương thức bảo vệ bền vững nhất. Đó là từ trong cộng đồng, vì cộng đồng.
Khi sinh kế đi cùng thiên nhiên
Bảo tồn không thể thành công nếu người dân quanh rừng vẫn sống trong nghèo đói. Đó là nguyên lý thực tế được kiểm chứng tại nhiều địa phương miền núi. Những năm qua, cùng với các mô hình phục hồi sinh cảnh, tỉnh Sơn La từng bước thiết lập các sinh kế mới - nơi mà sinh lợi không đồng nghĩa với khai thác cạn kiệt tài nguyên.
Các hoạt động bảo tồn tại Sơn La đang thể hiện rõ nét định hướng: thiên nhiên và con người không tách rời nhau, mà tồn tại như hai mặt của một hệ sinh thái. Việc thiết lập mối quan hệ bền vững giữa rừng và sinh kế, giữa bảo tồn và phát triển là điều kiện tiên quyết để các chính sách môi trường không rơi vào hình thức mà trở thành hành động thiết thực.
Trung tâm Con người và Thiên nhiên dự kiến triển khai Trạm nghiên cứu sinh thái dài hạn (LTER) tại xã Vân Hồ từ năm 2025. Đây sẽ là nơi theo dõi biến động sinh thái, hỗ trợ đánh giá tác động môi trường, đồng thời gắn bảo tồn với mô hình sinh kế mới và phát triển du lịch sinh thái.
Dự án không chỉ đặt mục tiêu nâng độ che phủ rừng từ 45% lên 50%, mà còn kỳ vọng mang lại tác động xã hội rõ rệt: cải thiện thu nhập cho 2.000 - 3.000 hộ dân, tạo hàng trăm việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế xanh dựa trên nền tảng tài nguyên bản địa.
Nếu bảo tồn được xây dựng trên nền tảng của niềm tin, kiến thức và sự tham gia chủ động của người dân, thì nó không còn là nhiệm vụ của riêng ngành nông nghiệp và môi trường, mà trở thành sự nghiệp chung của cả cộng đồng.
L.Nhi