Sign In

Cấp xã được quyền quyết định quản lý rừng bền vững

10:00 20/06/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Theo Thông tư 16/2025/TT-BNNMT do Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành ngày 19/6/2025, từ ngày 1/7, Chủ tịch UBND cấp xã được giao thẩm quyền xem xét, phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ hoặc tổ hợp tác có hoạt động du lịch sinh thái.

Theo thông tư này, từ ngày 1/7, hệ thống quản lý ngành lâm nghiệp bước sang giai đoạn phân quyền sâu hơn, khi cấp xã lần đầu tiên được trao quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, trong khi các thủ tục liên quan đến rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trải dài trên nhiều tỉnh sẽ do Bộ Nông nghiệp và Môi trường trực tiếp phê duyệt, không còn phải trình Thủ tướng như trước.

Quy định này đánh dấu một bước chuyển từ quản lý hành chính tập trung sang trao quyền sát thực tế, giúp người dân vùng rừng chủ động hơn trong việc bảo vệ, khai thác rừng hợp pháp và tiếp cận các mô hình chứng chỉ bền vững như FSC hay VFCS/PEFC.

Trong khi đó, các thủ tục liên quan đến rừng có phạm vi liên tỉnh như thành lập, điều chỉnh, chuyển loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; đóng, mở cửa rừng tự nhiên quy mô từ hai tỉnh trở lên, được chuyển giao toàn bộ về Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đây là điểm mới quan trọng, giúp giảm một bước trong quy trình xét duyệt, từ trình Thủ tướng xuống còn Bộ trưởng, qua đó rút ngắn thời gian, giảm thủ tục hành chính và tăng tính chủ động cho các cơ quan chuyên môn.

Từ ngày 1/7/2025, Chủ tịch UBND cấp xã được giao thẩm quyền xem xét, phê duyệt hoặc điều chỉnh phương án quản lý rừng bền vững

Điểm đáng chú ý là toàn bộ quy trình hành chính đã được chuẩn hóa trên phạm vi cả nước. Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm là cơ quan thẩm định, với thời gian giải quyết tối đa 33 ngày làm việc, áp dụng thống nhất biểu mẫu, hồ sơ và cơ chế tiếp nhận trực tiếp, trực tuyến hoặc qua bưu chính. Nhờ vậy, địa phương không chỉ được phân quyền mà còn được hỗ trợ một cơ chế vận hành rõ ràng, thuận tiện.

Ở chiều ngược lại, xã - cấp chính quyền gần rừng nhất được xác lập vai trò rõ ràng trong duyệt kế hoạch rừng nhỏ. Điều này mở đường cho hàng chục nghìn hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp du lịch sinh thái tại vùng đệm vườn quốc gia và khu rừng đặc dụng tiếp cận mô hình kinh tế rừng, mà không cần vượt cấp hoặc chờ cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh như trước. Đây là tiền đề để phát triển sinh kế rừng tại chỗ, nâng cao trách nhiệm và quyền lợi cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Việc phân định rõ vai trò từng cấp không chỉ đúng với tinh thần phân cấp, phân quyền cho địa phương theo mô hình chính quyền hai cấp, mà còn giúp tránh chồng chéo, giảm tình trạng “nhiều nơi quản, không nơi chịu trách nhiệm”, đặc biệt khi rừng nằm giáp ranh nhiều địa phương. Hệ thống mới được kỳ vọng vừa linh hoạt ở cơ sở, vừa thống nhất trong các vấn đề lớn mang tính chiến lược.

Chính sách mới cũng thúc đẩy mô hình quản lý rừng đa chức năng, từ phòng hộ, bảo tồn, sản xuất đến phát triển dịch vụ sinh thái, khai thác giá trị carbon và tiếp cận các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Với cấu trúc phân quyền rõ, cơ sở dữ liệu được đồng bộ và thủ tục hành chính tinh giản, ngành lâm nghiệp có thêm nền tảng pháp lý và tổ chức để chuyển mình theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Bảo Thắng

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Ưu tiên ổn định ngành chế biến gỗ, hoàn thiện pháp lý chính quyền cơ sở

Ưu tiên ổn định ngành chế biến gỗ, hoàn thiện pháp lý chính quyền cơ sở

Sáng 6/6, Thứ trưởng Bộ NN-MT Nguyễn Quốc Trị chủ trì cuộc họp cập nhật tình hình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị khối lâm nghiệp.
Hà Nội rà soát hiện trạng rừng theo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

Hà Nội rà soát hiện trạng rừng theo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1839/UBND-NNMT về việc triển khai thực hiện Quyết định số 575/QĐ-BNNMT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường về kế hoạch thực hiện Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chung tay hồi sinh rừng Tây Bắc

Ngày 25/5, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Hạt Kiểm lâm Vân Hồ, Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển cộng đồng (RIC) và chính quyền địa phương đã phát động trồng hơn 18.000 cây bản địa tại hai xã Song Khủa và Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.