Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Quy hoạch là đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Cụ thể, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản là giải pháp quan trọng đảm bảo Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Đồng thời góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ của đội ngũ cản bộ kỹ thuật, quản lý ngành địa chất.
Bên cạnh đó, ứng dụng hiệu quả các thành tựu hiện đại của khoa học trong lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trên thế giới vào sản xuất và đời sống; làm chủ được công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước tiên tiến trong lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Các nhà địa chất phát hiện và làm rõ tiềm năng khoáng sản. Ảnh minh họa. Về quan điểm đầu tư, tăng cường năng lực, đổi mới thiết bị, công nghệ đảm bảo các yêu cầu về độ tin cậy, chính xác số liệu của các nhiệm vụ điều tra địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu sử dụng thông tin của các cấp quản lý và cộng đồng xã hội là việc làm cần thiết và liên tục. Không đầu tư tràn lan, chồng chéo và phân tán, tập trung đầu tư các thiết bị thiết yếu trực tiếp thi công các nhiệm vụ điều tra địa chất-khoáng sản, tai biến địa chất và môi trường địa chất. Bảo đảm hiệu quả của việc đầu tư, các thiết bị được đầu tư phải được sử dụng và phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, phát triển năng lực công nghệ đồng bộ, hài hòa gồm nâng cao trình độ công nghệ của thiết bị và năng lực khai thác sử dụng thiết bị bằng việc gắn việc đầu tư công nghệ, thiết bị với đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Phát triển công nghệ gắn liền với mở rộng quan hệ quốc tế bao gồm tiếp thu, nhận chuyển giao công nghệ mới và ứng dụng công nghệ mới của các nước phát triển.
Về mục tiêu đầu tư để phát triển khoa học công nghệ chủ yếu là đầu tư tăng cường năng lực trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để thực hiện hoàn thành Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ứng dụng công nghệ số trong lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Về trang thiết bị phục vụ sản xuất địa chất, kế hoạch đề xuất xem xét đầu tư tập trung vào 7 nhóm thiết bị thiết yếu, bao gồm: thiết bị khoan; thiết bị địa vật lý; thiết bị phân tích thí nghiệm; thiết bị vận tải chuyên dụng; thiết bị điều tra địa chất, khoáng sản biển; thiết bị công nghệ thông tin và thiết bị trắc địa - viễn thám.
Tiếp đó là tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến có hiệu quả, độ tin cậy cao, nhất là trong điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu, điều tra địa chất, khoáng sản biển, điều tra tai biến địa chất phục vụ phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; điều tra địa chất phục vụ cải tạo phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản.
Cùng với đó, tăng cường mua sắm các trang thiết bị, phương tiện phục vụ có hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ, nhất là phương tiện, thiết bị điều tra thực địa, đo địa vật lý có khả năng điều tra thu thập dữ liệu, lấy mẫu các vùng biển sâu, dự báo khoáng sản ở các cấu trúc sâu.
Kế tiếp, đầu tư xây dựng các phòng phân tích mẫu hiện đại, có độ chính xác cao, đảm bảo độ tin cậy, đạt chuẩn quốc tế.
Đồng thời, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản, cập nhật, tích hợp đồng bộ với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, cơ sở dữ liệu chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đảm bảo tuân thủ kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường.