Sign In

Hội thảo do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Mạng lưới toàn cầu về Kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu (NAP Global Network) và Viện Quốc tế vì sự phát triển bền vững (IISD) đồng chủ trì. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp.

Phát biểu tại sự kiện, bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động thương mại ngày càng trở nên sâu sắc hơn trong thời gian gần đây, từ việc làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tổn thất nông sản do thiên tai đến việc tăng chi phí vận tải và sản xuất, đóng gói bao bì... Tuy nhiên, thương mại cũng có thể trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho các nỗ lực thích ứng. Cụ thể là tạo điều kiện thuận lợi để tận dụng các cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, thúc đẩy dòng hàng hóa và dịch vụ chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận nguồn tài chính xanh…

 Bà Mai Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

“Dù tiềm năng là rất lớn, các chính sách thương mại hiện hành của Việt Nam vẫn còn khoảng trống trong việc tích hợp yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu”, bà Mai Kim Liên nhấn mạnh. Hiện nay là thời điểm phù hợp để nghiên cứu, đề xuất lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào các hiệp định thương mại thế hệ mới. Điều này giúp kết nối thương mại và thích ứng với biến đổi khí hậu chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần tối ưu hóa lợi ích kinh tế, bảo vệ sinh kế và thúc đẩy phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Bà Anne Hammill, Phó Chủ tịch, Viện Quốc tế về phát triển bền vững (IISD) chia sẻ: Với Việt Nam - một quốc gia có độ hội nhập cao vào thương mại toàn cầu và cũng dễ bị tổn thương bởi rủi ro khí hậu - thích ứng không phải lựa chọn mà là điều bắt buộc. Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) của Việt Nam vừa được cập nhật năm 2024 đã đưa ra những hành động rõ ràng. Thích ứng cần được tích hợp vào tất cả các lĩnh vực và chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, bao gồm cả chính sách thương mại. 

 Bà Anne Hammill, Phó Chủ tịch, Viện Quốc tế về phát triển bền vững (IISD) phát biểu tại hội thảo

Từ trước đến nay, thương mại thường được nhìn nhận qua lăng kính phát triển kinh tế, nhưng nó còn có vai trò lớn hơn rất nhiều trong việc tăng cường khả năng chống chịu. Thương mại quốc tế có thể giúp Việt Nam tiếp cận các giống cây trồng chịu được biến đổi khí hậu, các công nghệ tiết kiệm nước và cơ sở hạ tầng cần thiết để thích ứng trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, từ thực tế biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn ngày càng nhiều chuỗi cung ứng và thay đổi nhu cầu hàng xuất khẩu, công tác thích ứng cần phải trở thành một phần cốt lõi của chính sách thương mại.

Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ cụ thể về những rủi ro hiện hữu và các ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu đã được xác định trong NAP cập nhật, tổng quan thương mại Việt Nam, mối liên hệ giữa thương mại và thích ứng biến đổi khí hậu. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Dưới sự dẫn dắt của chuyên gia, các đại biểu đã cùng chia nhóm, thảo luận để đánh giá rào cản trong chính sách thương mại hiện hành, xác định các yếu tố rủi ro khí hậu đối với xuất nhập khẩu và đề xuất các loại hàng hóa, dịch vụ và công nghệ có thể hỗ trợ hoạt động thích ứng trong nông nghiệp. Tương ứng là đề xuất lồng ghép nội dung thích ứng vào hoạch định và thực thi chính sách thương mại, nhằm góp phần triển khai có hiệu quả NAP cập nhật.

Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ mở rộng thảo luận chính sách liên ngành, làm cơ sở từng bước tích hợp thích ứng khí hậu vào chính sách thương mại – từ hoạch định chiến lược, đến các hiệp định thương mại và chính sách thuế quan, phi thuế quan.