Thực hiện Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông, UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 987/KH-UBND với loạt mục tiêu cụ thể và giải pháp đồng bộ đến năm 2025.
Theo kế hoạch, Gia Lai đặt mục tiêu kiểm soát nghiêm ngặt nguồn thải, nâng tỷ lệ xử lý nước thải tại các khu đô thị, công nghiệp đến cuối năm 2025, 92% khu công nghiệp và 60% cụm công nghiệp trên địa bàn có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật; 30% nước thải sinh hoạt đô thị và 40% nước thải nông thôn được xử lý bằng các biện pháp phù hợp.
Để đạt được mục tiêu, tỉnh đề ra 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: rà soát và kiểm soát nguồn thải ra các sông, hồ; đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tại các khu dân cư, đô thị và khu công nghiệp; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa công tác xử lý nước thải; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường.
Đặc biệt, tỉnh sẽ thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải để tăng tính trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, đồng thời tạo nguồn lực phục vụ công tác khắc phục ô nhiễm.
Gia Lai đặt mục tiêu kiểm soát nghiêm ngặt nguồn thải, nâng tỷ lệ xử lý nước thải tại các khu đô thị, công nghiệp đến cuối năm 2025Các sở, ban, ngành và địa phương được phân công rõ trách nhiệm theo lĩnh vực quản lý. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đóng vai trò đầu mối điều phối, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch này theo thẩm quyền. Rheo dõi, giám sát, đôn đốc các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch; Định kỳ hàng năm, tổng hợp báo cáo kết quả gửi UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh các nguồn thải có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông suối trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 30/6/2025.
Sở Xây dựng quản lý hệ thống thoát nước đô thị; Sở Công Thương theo dõi cụm công nghiệp; Công an tỉnh tăng cường điều tra, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng. Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư để đáp ứng các đầy đủ yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong việc bảo vệ môi trường nước mặt. Công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt; tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước mặt; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.