
Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy họp bàn tháo gỡ khó khăn trước mắt và xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho ngành hàng sầu riêng. Ảnh: Khương Trung.
Đối mặt thách thức từ thị trường chủ lực
Sáng 8/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp chuyên đề về tình hình xuất khẩu sầu riêng, tập trung vào các nội dung liên quan đến quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, cũng như các rào cản kỹ thuật trong quá trình xuất khẩu. Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Hoàng Trung và lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ.
Sầu riêng hiện được xem là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc – nơi đóng vai trò then chốt trong chiến lược tiêu thụ và nâng giá trị sản phẩm. Giá xuất khẩu cao gấp hơn hai lần so với tiêu thụ nội địa đã góp phần quan trọng vào tổng kim ngạch ngành hàng.
Tuy nhiên, trong bức tranh tăng trưởng ấy vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Theo báo cáo, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch, kéo theo giá sầu riêng trong nước sụt giảm nghiêm trọng, còn chưa bằng một phần tư giá xuất khẩu.
Xác định nguyên nhân, đưa ra hướng xử lý
Nguyên nhân chủ yếu được xác định đến từ sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp lý và quy trình kỹ thuật, đặc biệt là công tác kiểm dịch, cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và năng lực hệ thống kiểm nghiệm – những yếu tố chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ thị trường Trung Quốc.
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài.
Giải pháp ngắn hạn, để khơi thông dòng chảy xuất khẩu, Bộ tăng cường phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm tháo gỡ các vướng mắc kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm dịch thực vật; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu; đồng thời khẩn trương ban hành quy trình kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng để làm căn cứ đánh giá lại năng lực xuất khẩu trong năm 2025 và có sự điều chỉnh kế hoạch phù hợp.
Về lâu dài, Bộ xác định cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản, trong đó có quy định chi tiết về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm nghiệm và giám định chất lượng. Song song, ngành sầu riêng cần được tái cơ cấu theo hướng bền vững, tiêu chuẩn kỹ thuật cần được chuẩn hóa từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến khâu xuất khẩu.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh cần khuyến khích phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu như sầu riêng đông lạnh, để gia tăng giá trị sản phẩm và giảm thiểu phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ trái tươi.

Sầu riêng đang khẳng định vị thế là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đặc biệt với thị trường Trung Quốc giữ vai trò then chốt trong chiến lược phát triển ngành hàng này. Ảnh: Khương Trung.
Chỉ đạo cụ thể và hành động ngay hướng đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam
Để hiện thực hóa các giải pháp, Bộ trưởng yêu cầu sớm xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn về quy trình, thủ tục cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Cùng với đó là thiết lập chương trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu; tổ chức hội nghị chuyên đề với doanh nghiệp và các địa phương trọng điểm nhằm thống nhất phương án hành động toàn ngành.
Trước bối cảnh thị trường biến động khó lường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định: Giữ vững thị trường sầu riêng không thể dựa vào tăng trưởng nóng, mà cần hệ thống pháp lý vững vàng, tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ và bộ máy quản lý chủ động – minh bạch. Các cơ quan chuyên môn phải sát cánh cùng doanh nghiệp, đồng hành với địa phương và phối hợp liên ngành để bảo vệ thị trường, nâng cao giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới.
Theo ước tính, trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 120–130 triệu USD, tương đương khối lượng xuất khẩu 35.000 tấn. |