Ngày 16/4, tại bản Piệng, xã Nậm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã diễn ra lễ khánh thành đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho biết, công trình đập Sabo tại lưu vực suối Nậm Păm, huyện Mường La có thể được coi là “mô hình trực quan”, mang tính thí điểm được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam chia sẻ: Đập Sabo là một trong những giải pháp công trình hiệu quả nhất trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai do sạt lở và lũ quét gây ra. Đập có khả năng giữ lại lượng lớn bùn đá dòng lũ, ngăn chặn gỗ trôi và các vật cản khác, giúp bảo vệ an toàn cho khu vực hạ lưu, không chỉ riêng người dân ở bản Piệng mà còn cả thị trấn Ít Ong.
Ông Kobayashi Yosuke hy vọng sẽ triển khai nhiều dự án hỗ trợ phòng chống thiên tai hơn nữa tại địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Bình.Công trình đập Sabo tại Nậm Păm chính thức được khởi công vào tháng 9 năm 2024, sau khi kết thúc mùa mưa. Đây là một đập bê tông khe hở, được thiết kế và xây dựng hoàn toàn theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản. Đập có chiều dài 61m, chiều cao 9m tại vai đập, tràn cao 6m, chiều rộng đỉnh đập 3m và đáy đập rộng 6,6m.
Trên thân đập có 6 khe hở, mỗi khe rộng 2m. Thiết kế đặc biệt này cho phép nước và các hạt bùn nhỏ có thể chảy qua, trong khi giữ lại những khối đá lớn và gỗ trôi, góp phần giảm sức tàn phá của dòng lũ.
Bà Lê Thị Thu Hằng (trái) trân trọng những đóng góp của các tổ chức nước ngoài trong việc đầu tư những dự án phục vụ đời sống bà con tại tỉnh. Ảnh: Đức Bình.Đập Sabo được chia làm hai loại chính: đập kín và đập hở. Loại đập kín có khả năng chắn hoàn toàn từ thượng nguồn, tích tụ đất đá, làm chậm dòng chảy và mở rộng lòng suối, từ đó giảm tốc độ dòng lũ. Đối với đập hở như công trình tại Nậm Păm, phần thân đập có các khe trống để nước chảy qua, trong khi vẫn giữ lại vật thể lớn trong dòng chảy lũ, giảm thiểu thiệt hại cho khu vực hạ lưu.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La khẳng định: Việc hoàn thành và đưa vào vận hành công trình đập Sabo không chỉ là cột mốc quan trọng trong hành trình xây dựng hệ thống phòng chống thiên tai, mà còn là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác bền vững, gắn bó giữa tỉnh Sơn La và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA. Công trình minh chứng cho sự đồng hành và sẻ chia của bạn bè quốc tế trong công cuộc bảo vệ đời sống, tài sản và sự phát triển bền vững của người dân vùng cao”.
Quang cảnh đập Sabo nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Bình.Đập Sabo là công trình thiết thực giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, việc xây dựng 1 đập Sabo chỉ góp phần thu giữ một khối lượng trầm tích (bùn, đất, đá,..) nhỏ, khoảng 8% trên lưu vực suối Nậm Păm.
Bà Hằng cũng bày tỏ kỳ vọng đơn vị triển khai dự án, Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm đầu tư hoàn thiện 12 đập đã được lập theo kế hoạch để dự án phát huy tối đa hiệu quả.
Việc xây dựng đập Sabo là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Hợp tác kỹ thuật “Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, phối hợp thực hiện bởi Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, cùng Văn phòng JICA Việt Nam. Dự án kéo dài từ năm 2022 đến 2025, lựa chọn Sơn La là một trong những địa phương trọng điểm triển khai các hoạt động thí điểm.