Tại Tọa đàm Giải pháp hồi sinh các dòng sông chết do Báo Tiền Phong phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 10/7, đại diện các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội đã chỉ ra nhiều thách thức trong bảo vệ, phục hồi chất lượng nước mặt và hệ sinh thái sông.
Hưng Yên: Bài toán bổ cập nước cho sông Bắc Hưng Hải
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng Yên cho biết, Hưng Yên đã có nhiều năm triển khai quan trắc chất lượng nước trên địa bàn, trong đó có sông Bắc Hưng Hải. Kết quả cho thấy có cải thiện nhất định, với tỷ lệ nước đạt mức tốt, trung bình tăng và mức kém giảm dần. Đây là tín hiệu khích lệ nhưng chưa đủ để giải quyết gốc rễ vấn đề.
Thực tế, ông Trần Đăng Anh chỉ ra, vẫn còn khoảng 65% nước thải trên địa bàn chưa được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra sông. Dù địa phương đã ban hành quy định buộc các nguồn thải trên 100m³/ngày đêm phải có hệ thống xử lý độc lập và tăng cường quan trắc, nhưng để đầu tư đồng bộ vẫn cần nguồn vốn lớn và dài hạn.
Hưng Yên đã có nhiều năm triển khai quan trắc chất lượng nước trên địa bàn, trong đó có sông Bắc Hưng HảiĐáng chú ý, ông Anh thừa nhận sông Bắc Hưng Hải đã từng rơi vào cảnh khô cạn, buộc tỉnh phải bổ cập nước cưỡng bức để duy trì dòng chảy và giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và cục bộ. “Muốn hồi sinh bền vững, rất cần Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các tỉnh liên quan phối hợp xây dựng phương án điều tiết nước đồng bộ, quản lý liên ngành từ thượng nguồn đến hạ lưu”, ông Trần Đăng Anh nhấn mạnh.
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hưng YênNinh Bình: Gánh nặng vùng hạ lưu và lời kêu gọi tái lập Ủy ban sông Nhuệ – Đáy
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình phản ánh bức tranh đáng lo ngại về ô nhiễm các dòng sông chảy qua địa bàn, đặc biệt là sông Nhuệ. Theo ông Thắng, các chỉ số ô nhiễm COD, BOD thường xuyên vượt ngưỡng, nhất là vào mùa khô hạn, đe dọa nghiêm trọng tới nguồn nước mặt sinh hoạt và hệ sinh thái.
Ninh Bình ở vị trí hạ lưu nên tiếp nhận toàn bộ lượng nước thải từ vùng thượng nguồn, trong khi khả năng kiểm soát tại chỗ rất hạn chế. Việc thu gom nước thải sinh hoạt chưa đồng bộ, nước thải làng nghề tự phát, các cụm công nghiệp cũ chưa được đầu tư hệ thống xử lý đầy đủ càng làm trầm trọng thêm tình hình.
Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh BìnhÔng Thắng cho biết, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp: tăng cường quan trắc, kiểm soát hồ sơ môi trường của doanh nghiệp, siết quy hoạch. Tuy nhiên, vì là tỉnh cuối nguồn, Ninh Bình vẫn “thụ động hoàn toàn” trong kiểm soát chất lượng nước đổ về. Đặc biệt, chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải quá lớn khiến việc xử lý triệt để còn nhiều trở ngại.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Bình kiến nghị tái thành lập Ủy ban liên vùng lưu vực sông Nhuệ – Đáy, nhằm tạo cơ chế phối hợp thông suốt giữa các tỉnh thượng và hạ lưu, chia sẻ dữ liệu, giải quyết kịp thời các vấn đề ô nhiễm xuyên địa giới hành chính.
Nhu cầu quản lý lưu vực sông theo cách tiếp cận liên vùng, liên ngành
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước nhấn mạnh, Luật Tài nguyên nước 2023 và Nghị định 53/2023/NĐ-CP đã quy định chi tiết về tổ chức quản lý lưu vực sông, đặt nền tảng pháp lý cho cơ chế điều phối giữa các địa phương. Đây chính là những “nút thắt” lâu nay trong công tác bảo vệ nguồn nước.
Theo ông Hiếu, đối với sông Bắc Hưng Hải, dù đã được xác định trong danh mục sông liên tỉnh nhưng vẫn cần có lộ trình quản lý và phục hồi bền vững, gắn với điều tiết nước chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ, ngành và các tỉnh trên lưu vực.
“Chúng ta không thể giải quyết ô nhiễm chỉ trong ranh giới một tỉnh. Cần tư duy quản lý tổng hợp lưu vực sông, chia sẻ dữ liệu, phối hợp điều tiết nước và đầu tư hệ thống xử lý đồng bộ từ thượng nguồn đến hạ lưu”, ông Hiếu khẳng định.
Vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên XáBên cạnh các vấn đề quản lý liên tỉnh, tại Hà Nội, một khía cạnh quan trọng khác được đặt ra là: làm thế nào để bảo vệ “sức khỏe” của chính hệ thống thoát nước đô thị, nơi bắt đầu và kết thúc của chu trình nước thải.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị đã có hơn 50 năm vận hành hệ thống thoát nước đô thị Hà Nội, với vai trò quan trọng trong nạo vét, duy trì dòng chảy và đưa nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. “Đội ngũ công nhân kỹ thuật của chúng tôi thuộc từng cái ga, từng đoạn sông, hiểu rất rõ vận hành của cả mùa khô lẫn mùa mưa”, ông Sơn nói.
Hiện hệ thống cống ngầm tại Hà Nội là hỗn hợp gom cả nước mưa và nước thải sinh hoạt, nên công tác duy tu, nạo vét cần bắt đầu từ cả các điểm đầu, các nhánh nhỏ. Với việc vận hành nhà máy Yên Xá, yêu cầu bố trí rọ chắn rác và bẫy nước ở các ga thu gom để tránh tắc nghẽn càng trở nên quan trọng. Công nhân phải trực thường xuyên, nhiều ca, đảm bảo dòng chảy được duy trì liên tục.
Ông Sơn cũng cảnh báo tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. “Nắng gắt xen kẽ mưa cực đoan, nếu hệ thống thoát nước bị tắc bởi dầu mỡ, rác thải… thì hậu quả là ngập úng, ô nhiễm trầm trọng. Sức khỏe của hệ thống thoát nước chính là sức khỏe của môi trường sống đô thị và của cả người lao động làm nhiệm vụ mỗi ngày”.
Từ Bắc Hưng Hải đến sông Tô Lịch, từ đồng bằng đến đô thị trung tâm, những dòng sông đang phát đi tín hiệu cầu cứu. Đáp lời kêu gọi đó, các địa phương, doanh nghiệp và ngành chức năng đã có những nỗ lực rõ rệt. Tuy nhiên, để “hồi sinh” bền vững, cần một hệ sinh thái chính sách đa tầng, từ quản lý lưu vực đến cải thiện hạ tầng cống ngầm, từ bổ cập nước cưỡng bức đến ứng dụng công nghệ số, từ chính sách liên tỉnh đến từng công nhân vệ sinh tuyến cống nhỏ.