Ngày 12/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2016/NĐ-CP và Nghị định 11/2021/NĐ-CP – những văn bản pháp lý nền tảng trong quản lý tài nguyên và môi trường biển.
Đây không chỉ là một động thái kỹ thuật pháp lý thông thường mà là một bước thể chế hóa rõ ràng, cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển trong thời kỳ mới.
Phân cấp mạnh mẽ, nâng cao vai trò địa phương trong quản lý biển
Một điểm đột phá rất đáng chú ý trong Nghị định 65/2025/NĐ-CP là mức độ phân cấp, phân quyền cho địa phương được nâng lên một bước rõ rệt. So với quy định cũ, lần này, thẩm quyền giao khu vực biển trong phạm vi 6 hải lý – kể cả với nhà đầu tư nước ngoài – đã được trao cho UBND cấp tỉnh. Đây là điểm thể chế hóa đúng tinh thần Nghị quyết 36: phân cấp mạnh nhưng vẫn giữ nguyên tắc quản lý thống nhất của Trung ương.
Điều này thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý biển, chuyển từ “quản lý tập trung cứng nhắc” sang “quản lý linh hoạt, có giám sát”. Các tỉnh có biển giờ đây không chỉ là đơn vị phối hợp, mà trở thành chủ thể trực tiếp trong quyết định sử dụng không gian biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển theo đặc thù địa phương.
Xóa bỏ rào cản thủ tục, mở đường cho khoa học và đầu tư
Nghị định 65/2025/NĐ-CP đã thẳng thắn giải quyết những bất cập tồn tại lâu nay trong thủ tục hành chính liên quan đến giao khu vực biển, nhận chìm, thăm dò khảo sát, đặc biệt trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và giám sát môi trường biển.
Lần đầu tiên, pháp luật quy định cụ thể thủ tục, trách nhiệm và quyền nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nghiên cứu khoa học biển – một điểm then chốt mà Nghị quyết 36 nhấn mạnh, rằng khoa học - công nghệ là động lực then chốt để phát triển bền vững kinh tế biển.
Việc đơn giản hóa thủ tục, bỏ quy định thành lập Hội đồng thẩm định, áp dụng cơ chế một cửa… không chỉ giúp giảm chi phí thời gian, mà còn tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, đặc biệt cho các lĩnh vực công nghệ cao, thăm dò biển sâu, khai thác sinh học biển và bảo tồn biển.
Đặc biệt, Nghị định quy định cụ thể về các trường hợp sử dụng biển đa mục đích, sử dụng trước khi được cấp phép, hay gia hạn thời gian giao biển – bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân sử dụng biển. Các điều khoản chuyển tiếp cũng được xây dựng kỹ lưỡng, giải quyết kịp thời các bất cập về ranh giới hành chính, vùng biển chồng lấn giữa các địa phương.
Nghị định 65/2025/NĐ-CP với những điểm đột phá, định hình chính sách phát triển bền vững kinh tế biển. (Ảnh minh họa)Bảo vệ bờ biển trước biến đổi khí hậu - Cơ chế linh hoạt
Với hơn 3.260 km bờ biển, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Việc sửa đổi quy định về hành lang bảo vệ bờ biển trong Nghị định 65 không đơn thuần là kỹ thuật quy hoạch, mà là một bước chuyển từ “quản lý theo ranh giới hành chính” sang “quản lý dựa trên tính dễ bị tổn thương môi trường”.
Hành lang bảo vệ bờ biển giờ đây không còn cứng nhắc theo quy hoạch cũ, mà được phép điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với các tình huống khẩn cấp như xói lở, thiên tai, lụt lội – cho thấy tư duy thích ứng chủ động, dài hạn, thay vì đối phó bị động.
Đây chính là tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 36: Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh – quốc phòng trên biển.
Định hình không gian biển, hướng tới kinh tế biển xanh
Không gian biển không chỉ là tài nguyên, mà còn là lợi thế chiến lược. Trong kỷ nguyên kinh tế xanh, kinh tế biển không thể tiếp tục phụ thuộc vào các mô hình khai thác truyền thống mà phải chuyển hướng sang mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, công nghệ, bảo tồn sinh thái và quản lý tích hợp.
Nghị định 65 đã từng bước xác lập các nguyên tắc mới: khoanh vùng sử dụng, xác định giá trị sử dụng biển, cơ chế tài chính biển, quy định rõ nghĩa vụ tài chính với các tổ chức, cá nhân sử dụng vùng biển đa mục đích, đồng thời xử lý các trường hợp sử dụng biển trước khi được cấp phép theo hướng có chế tài minh bạch.
Có thể nói Nghị định 65/2025/NĐ-CP là một bước cụ thể hóa rõ nét Nghị quyết 36-NQ/TW, và cùng với hệ thống pháp luật liên quan sẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giao và quản lý hoạt động khai thác, sử dụng khu vực biển.
Đồng thời, sẽ tiếp tục là công cụ quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về biển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.