Sign In

Nghị quyết 57: Hướng tới nông nghiệp xanh, môi trường bền vững

07:30 10/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Sáng nay, ngày 10/5, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại cùng các văn bản liên quan như Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ.

Đây là sự kiện quan trọng nhằm quán triệt, cụ thể hóa các định hướng lớn vào thực tiễn ngành nông nghiệp và môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

 

Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, quy tụ khoảng 500 đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương, cơ quan Quốc hội, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức quốc tế, như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI)…

Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham gia điều hành của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, địa phương đăng cai tổ chức.

Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh), sáng 10/5.

Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh), sáng 10/5.

Chương trình hội nghị bao gồm 2 phần chính. Phiên toàn thể vào buổi sáng và các phiên chuyên đề buổi chiều. Tại phiên toàn thể, đại biểu sẽ được nghe trình bày về thực trạng và giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; định hướng của Quốc hội và Chính phủ đối với lĩnh vực này; cùng các tham luận từ doanh nghiệp, địa phương và đơn vị ngành dọc.

Phiên chuyên đề buổi chiều chia thành 4 nhóm trọng tâm: (1) Trồng trọt - Bảo vệ thực vật - Lâm nghiệp; (2) Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản; (3) Môi trường - Tài nguyên nước; (4) Thủy lợi - Phòng, chống thiên tai - Biến đổi khí hậu. Tại đây, các đại biểu sẽ thảo luận về các định hướng nghiên cứu, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học phục vụ phát triển ngành.

Hội trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh), sáng 10/5.

Hội trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh), sáng 10/5.

Song song với nội dung nghị sự, khu trưng bày thành tựu khoa học công nghệ tiêu biểu trong nông nghiệp và môi trường cũng sẽ được mở cửa phục vụ đại biểu và khách tham quan, qua đó tăng cường kết nối, lan tỏa tri thức, thúc đẩy hợp tác giữa các bên. Ngoài ra, sự kiện còn là dịp để ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW trên toàn ngành.

Với tinh thần hành động mạnh mẽ, Hội nghị kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành nền tảng phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nghe giới thiệu các sản phẩm nông sản chất lượng cao được ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nghe giới thiệu các sản phẩm nông sản chất lượng cao được ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

 

Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy: Chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-083743_259

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành Nông nghiệp và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu.

Trong bối cảnh ngành đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu gay gắt, tài nguyên suy giảm và áp lực tăng trưởng xanh, các mô hình sản xuất truyền thống không còn phù hợp. Do đó, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và bảo vệ môi trường sống, toàn ngành cần đổi mới tư duy và lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.

Bộ trưởng cho rằng, dù thời gian qua ngành nông nghiệp và môi trường đã đạt một số kết quả tích cực như triển khai nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cảm biến trong giám sát môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và khí tượng, nhưng để đạt được “đột phá phát triển” như yêu cầu của Nghị quyết, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Môi trường đề xuất 5 nhóm giải pháp then chốt: hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các rào cản, cải cách tổ chức nghiên cứu theo hướng tinh gọn và tự chủ, thay đổi cách thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.

Bộ đã ban hành kế hoạch triển khai cụ thể tại Quyết định số 503/QĐ-BNNMT, xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Bộ trưởng kêu gọi sự đồng hành, phối hợp của các địa phương, doanh nghiệp, viện trường, hiệp hội và tổ chức quốc tế để tạo bước chuyển thực chất, bền vững cho ngành nông nghiệp và môi trường. Nhân dịp Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Bộ trưởng Đỗ Đức Duy gửi lời tri ân tới cộng đồng các nhà khoa học và chuyên gia đã cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn: Bắc Ninh phát triển nông nghiệp xanh, quản lý môi trường số

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-084939_994

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cam kết, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến, kết quả nghiên cứu, giải pháp đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đưa vào ứng dụng thực tiễn.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh, đây là cơ hội quý giá để Bắc Ninh và ngành Nông nghiệp và Môi trường Bắc Ninh được tiếp cận những tâm huyết chuyên sâu từ các nhà khoa học, chuyên gia và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương, doanh nghiệp, viện trường nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết thành các chương trình, đề án, mô hình triển khai hiệu quả tại địa phương.

Theo ông Vương Quốc Tuấn, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đứng trước yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng các xu thế mới của phát triển bền vững, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, việc phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là động lực then chốt để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, bảo vệ tài nguyên, môi trường và chất lượng sống của người dân.

Thực hiện Nghị quyết 57, Nghị quyết 193, Nghị quyết 71, tỉnh Bắc Ninh tập trung vào chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới như: cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR.

Bắc Ninh khuyến khích các mô hình hợp tác công - tư trong nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.

“Trong thời gian tới, chúng tôi chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chiều sâu, bền vững; trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm, nông nghiệp đô thị; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành thương mại, dịch vụ - du lịch… xây dựng và phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực chất lượng, có thương hiệu gắn với quy trình chế biến, bảo quản và xuất khẩu giá trị cao…”, ông Vương Quốc Tuấn cho biết.

Về lĩnh vực môi trường, Bắc Ninh đang xây dựng nền tảng dữ liệu số tổng hợp về môi trường và đất đai, phục vụ công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm, và quản lý biến đổi khí hậu trên địa bàn. Tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường đang từng bước chuyển đổi từ mô hình quản lý truyền thống sang quản lý số hóa, minh bạch, công khai và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Bắc Ninh cũng là địa phương đi đầu hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các làng nghề truyền thống và các khu vực trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các sáng kiến, kết quả nghiên cứu, giải pháp đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đưa vào ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh, đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.

TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Không sở hữu nền KHCN hiện đại sẽ không có vị thế bền vững

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-092406_628

TS Phan Xuân Dũng khẳng định, không có tổ chức hay quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền KHCN hiện đại.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định Nghị quyết 57 phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, đặt khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển đất nước.

Theo TS Dũng, không có tổ chức hay quốc gia nào đạt được vị thế bền vững nếu không sở hữu nền KHCN hiện đại. Nghị quyết 57 thể hiện tầm nhìn đột phá khi xác định đây là cuộc cách mạng, trong đó nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, còn nhà khoa học là lực lượng chủ lực. Đặc biệt, việc từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” sẽ mở đường cho nhiều mô hình đổi mới hiệu quả. Mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh KHCN hàng đầu là hoàn toàn khả thi nếu tận dụng tốt các cơ hội hiện có.

TS Dũng cũng nhấn mạnh vai trò nền tảng của ngành nông nghiệp và môi trường. Từ một quốc gia thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên top 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm, ngành này vẫn giữ vai trò trụ đỡ an sinh xã hội, cung cấp việc làm và ổn định đời sống cho hàng triệu người dân.

Trong lĩnh vực môi trường, Việt Nam kiên định với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, chuyển hướng sang kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên - những định hướng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu thực thi tốt Nghị quyết 57.

Về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với 3,7 triệu hội viên, trong đó có hơn 2,2 triệu trí thức và 574 tổ chức KHCN trên cả nước, TS Dũng cho biết tổ chức đã xây dựng được phong trào nghiên cứu sâu rộng, thu hút đông đảo lực lượng trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và môi trường. Đáng chú ý, ngày càng nhiều doanh nhân kiêm nhà khoa học đã góp phần tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp song hành với phát triển quốc gia. Bên cạnh nguồn vốn Nhà nước, Liên hiệp còn huy động được nguồn lực xã hội hóa lớn gấp hàng chục lần.

TS Dũng kiến nghị các Bộ, ngành tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực phát sinh từ thực tiễn như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông phổ biến tri thức đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, và tôn vinh đội ngũ trí thức để tạo thêm động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.

TS. Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ KHCN: Người tài là then chốt cho chuyển đổi số

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-095201_349

TS. Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ KHCN cho rằng, sẽ không có đột phá nào xảy ra nếu thiếu con người.

TS. Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ KHCN khẳng định: “Chữ đầu tiên của Nghị quyết 57 là ‘đột phá’ - điều đó không phải ngẫu nhiên.” Bởi đây chính là tinh thần xuyên suốt trong hệ thống các nghị quyết như Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 193/2025/QH15, Nghị quyết 100, Nghị quyết 71/NQ-CP và Nghị định 88/2025/NĐ-CP - những văn bản thể hiện rõ khát vọng đưa đất nước vươn lên bằng động lực từ khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao.

Nghị quyết 57 xác lập 5 quan điểm nền tảng, trong đó đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được coi là động lực chính để thúc đẩy lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đây không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà còn là một yêu cầu chính trị - xã hội, đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Ngay sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03 (tháng 1/2024) và Nghị quyết 71 (tháng 4/2024) để cụ thể hóa các nhiệm vụ, thể hiện tinh thần hành động khẩn trương. Nghị quyết 71 xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc thay đổi tư duy lãnh đạo, nâng cao nhận thức xã hội và phát triển hạ tầng khoa học công nghệ.

Các mục tiêu quốc gia được đặt ra mang tính “cách mạng”: đến năm 2030, Việt Nam nằm trong Top 50 về Chính phủ số, dẫn đầu ASEAN về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số đẳng cấp quốc tế, kinh tế số chiếm 30% GDP. Tầm nhìn đến 2045, mục tiêu còn cao hơn - đóng góp 50% GDP từ kinh tế số, có hàng chục doanh nghiệp công nghệ đạt chuẩn toàn cầu, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.“Chúng tôi sợ những chỉ tiêu này, bởi nó rất cao, rất khó. Nhưng nếu không dám đặt ra, không dám thực hiện, thì sẽ chẳng bao giờ có đột phá thực sự”, ông Tiến cho biết.

Không có đột phá nào xảy ra nếu thiếu con người. Trong chuỗi giải pháp, yếu tố nhân lực - đặc biệt là nhân tài – được nhấn mạnh như trụ cột phát triển. Theo tinh thần các nghị quyết, thể chế, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ là bốn trụ chính, nhưng tất cả đều phải xoay quanh con người. “Người đứng đầu phải vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo, sử dụng thành thạo công nghệ và chịu trách nhiệm”, ông Tiến phát biểu khẳng định rõ quan điểm về vai trò lãnh đạo và năng lực sử dụng công nghệ trong bộ máy công.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng văn bản quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số – một bước đi được kỳ vọng sẽ làm rõ vai trò, khuyến khích năng lực và tinh thần đổi mới trong hệ thống công quyền.

Bên cạnh đó, phong trào học tập trên nền tảng số, các chương trình phổ cập kiến thức về công nghệ số cho cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân được triển khai đồng bộ, thu hút hàng chục triệu lượt tiếp cận. Hạ tầng số và trí tuệ nhân tạo không thể phát triển nếu thiếu nền tảng tri thức rộng khắp và khả năng hấp thụ công nghệ của toàn xã hội.

Đáng chú ý, các chính sách đột phá về tài chính, thể chế cũng đang được xây dựng nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, thử nghiệm công nghệ mới, miễn trừ trách nhiệm khi mô hình đổi mới không thành công, và quan trọng nhất: tạo không gian sáng tạo an toàn và khuyến khích mạo hiểm cho doanh nghiệp và nhân tài.

Hành trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xây dựng quốc gia đổi mới sáng tạo không thể chỉ dừng ở kế hoạch hay khẩu hiệu. Đó là chặng đường của sự dấn thân, của đổi mới tư duy, hành động quyết liệt và đặc biệt là trọng dụng người tài như một chiến lược sống còn.

“Không có doanh nghiệp đột phá nếu thiếu người tài. Không có chính phủ số nếu thiếu lãnh đạo am hiểu công nghệ. Và càng không thể có quốc gia sáng tạo nếu không có nền giáo dục và chính sách tuyển dụng khuyến khích trí tuệ”, TS. Nguyễn Phú Tiến nói.

Lễ ký kết văn bản hợp tác phát triển KHCN

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết văn bản hợp tác phát triển KHCN, ĐMST với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Nhập chú thích ảnh

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký kết văn bản hợp tác phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đại diện các đơn vị tham gia lễ ký.

Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBDN tỉnh Bắc Ninh; ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; ông Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT… cùng các đại biểu đã chứng kiến lễ ký.

* Tiếp theo lễ ký của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cũng ký một loạt văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Nhập chú thích ảnh

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN-MT) Nguyễn Văn Long ký văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Các đối tác ký của Vụ gồm: Tập đoàn Dabaco; Tập đoàn MASAN; Trường Đại học VinUni thuộc Tập đoàn Vingroup; Công ty Cổ phân Nông nghiệp BAF Việt Nam; Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN; Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa; Công ty BSB NANOTECH.

 

PGS.TS Phạm Doãn Lân, Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi: Triển vọng của ứng dụng công nghệ nhân bản động vật

PGS.TS Phạm Doãn Lân (Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi) báo cáo trước Hội nghị về kết quả nghiên cứu nhân bản lợn ỉ bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma.

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-103136_508

PGS.TS Phạm Doãn Lân (Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi) trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Theo PGS.TS Phạm Doãn Lân, công nghệ nhân bản động vật đang được ứng dụng gồm Công nghệ nhân bản bằng cách chia tách phôi, cấy chuyển nhân từ các tế bào phôi đã được thực hiện thành công trên 50 năm.

Nhân bản động vật bằng cấy chuyển nhân tế bào soma ở động vật có vú thành công đầu tiên năm 1996, tới nay đã có trên 20 loài nhân bản thành công. Tại Việt Nam đã có nhiều chuyên gia, nhà khoa học ứng dụng công nghệ này như ở cá chạch (năm 1978); nhân bản thành công trên bò sữa bằng công nghệ cắt phôi; công nghệ nhân bản trên bò, lợn… nhưng cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn tạo phôi nhân bản, chưa tạo được động vật nhân bản; đề tài nhân bản trên bò…

Ở Viện Chăn nuôi, từ tháng 7/2017 đã thực hiện đề tài nghiên cứu tạo lợn ỉ nhân bản bằng kỹ thuật cấy chuyển nhân tế bào soma được triển khai thực hiện tại Phòng thí nghiệm trọng điểm và Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Thụy Phương.

Quy trình nhân bản lợn ỉ giống quy trình chung như tạo ra cừu Dolly nhưng đã có sự cải biến để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Viện đã có cách tiếp cận mới bằng việc loại nhân, loại trứng màng sáng… giúp cải thiện năng suất.

Tới nay, Viện đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình tạo giống lợn ỉn tổng số 14 con; bảo quản tinh 900 liều, tỷ lệ sống sau giải đông từ 35-40%. Lợn ỉ con sinh ra từ lợn ỉ cái nhân bản được thụ tinh nhân tạo với tinh trùng lợn ỉ đực nhân bản sau khi giải đông phát triển bình thường.

Theo ông Lân, triển vọng ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống giúp bảo tồn các động vật quý hiếm, nhân rộng nhanh chóng các đặc tính di truyền tốt. Kết hợp công nghệ nhân bản động vật công nghệ chỉnh sửa gen để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ y học (cấy ghép nội tạng).

TS Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật tại Viện Công nghệ sinh học: Công nghệ chỉnh sửa gen - Hướng đi chiến lược để cải tạo giống cây trồng bản địa

Công nghệ chỉnh sửa gen, đặc biệt là hệ thống CRISPR/Cas9, đang mở ra một kỷ nguyên mới cho chọn tạo giống cây trồng, trong đó giống cây bản địa là một trong những đối tượng hưởng lợi rõ nét.

Với khả năng tạo ra đột biến chính xác, nhanh, chi phí thấp và không cần đưa DNA ngoại lai vào cây, công nghệ này cho phép giữ lại các đặc tính quý giá của giống bản địa trong khi cải thiện được các tính trạng quan trọng như năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Đây là hướng tiếp cận khác biệt so với công nghệ biến đổi gen truyền thống và được nhiều quốc gia trên thế giới ưu tiên phát triển”, TS Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật tại Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nói.

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-103612_861

TS Đỗ Tiến Phát cho rằng, "một khung pháp lý rõ ràng sẽ là nền tảng để kết nối nghiên cứu - quản lý - doanh nghiệp, giúp đưa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm nhanh chóng ra thị trường".

Theo ông Phát, nhiều nghiên cứu trong nước đã chứng minh tiềm năng ứng dụng rộng lớn của công nghệ này. Một số giống cây trồng bản địa như cà chua, đậu tương, đu đủ… đã được chỉnh sửa thành công để cải thiện hàm lượng đường, acid amin, giảm các hợp chất khó tiêu hoặc nâng cao khả năng kháng virus.

Tuy nhiên, số lượng các đơn vị nghiên cứu ở Việt Nam có thể làm chủ và ứng dụng thành công công nghệ chỉnh sửa gen vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó, xu thế trên thế giới đang tiến rất nhanh, với nhiều sản phẩm chỉnh sửa gen đã được thương mại hóa tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc hay Brazil.

Việt Nam hiện vẫn chưa có đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này, cả về hạ tầng, nhân lực và chính sách. Các nghiên cứu chủ yếu vẫn dừng lại trong phòng thí nghiệm, chưa thể chuyển sang quy mô sản xuất đại trà. Một trong những nguyên nhân quan trọng là khung pháp lý hiện hành chưa tách bạch rõ ràng giữa cây trồng chỉnh sửa gen và cây trồng biến đổi gen. Việc thiếu hành lang pháp lý cụ thể khiến các nhà khoa học, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đều gặp khó trong việc tiếp cận và triển khai các sản phẩm tiềm năng.

Để công nghệ này thực sự phát huy hiệu quả trong cải tạo giống cây trồng bản địa, vốn có vai trò then chốt trong chiến lược nông nghiệp sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời. Đề xuất từ giới nghiên cứu là cần tiếp tục được đầu tư cho các nhóm nghiên cứu trong nước, đồng thời mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm về chỉnh sửa gen. Bên cạnh đó, rất cần một cơ chế quản lý minh bạch, linh hoạt để đánh giá, cấp phép và sử dụng giống cây trồng chỉnh sửa gen phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Một khung pháp lý rõ ràng sẽ là nền tảng để kết nối nghiên cứu - quản lý - doanh nghiệp, giúp đưa các sản phẩm từ phòng thí nghiệm nhanh chóng ra thị trường”, ông Phát nhấn mạnh và xem đây là bước đi chiến lược để nâng cao năng lực chọn tạo giống trong nước, khai thác hiệu quả nguồn gen bản địa, góp phần vào phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, xanh và có giá trị gia tăng cao.

10 giờ 10 phút

Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Đại Thành Nông nghiệp chính xác - Giải pháp của ngành nông nghiệp thông minh

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Đại Thành trình bày giải pháp Hệ thống vị trí chính xác thời gian thực DTALS phục vụ nông nghiệp thông minh và các ngành kinh doanh.

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-105739_155

Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Đại Thành, trình bày giải pháp vị trí chính xác thời gian thực DTALS phục vụ nông nghiệp thông minh.

Theo ông Trường, nền nông nghiệp thế giới tới năm 2050 sẽ chịu áp lực bởi các vấn đề: nhu cầu lương thực toàn cầu cho khoảng 10 tỷ người; nguồn tài nguyên nông nghiệp ngày càng hạn chế; thiếu lao động nông nghiệp; biến đổi khí hậu, dịch bệnh; chiến tranh; đứt gãy chuỗi cung ứng.

Để giải quyết những vấn đề này, nông nghiệp chính xác sẽ trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong đó có sự hỗ trợ từ các công nghệ mới (IoT - internet vạn vật); Big Data (dữ liệu lớn), AI phân tích dữ liệu…

Vấn đề hiện tại mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, đó là sự thiếu chính xác trong quá trình vận hành của máy móc nông nghiệp, như: máy cấy không biết đi thẳng hàng, drone không bay được chính xác, máy gặt không tính được năng suất, máy cày không biết độ nông sâu…

Là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, mục tiêu của Đại Thành là nghiên cứu, cung cấp, chuyển gia các sản phẩm công nghệ như drone nông nghiệp, thiết bị dẫn đường không người lái trên máy nông nghiệp trên mặt đất, san phẳng đất vệ tinh… Những thiết bị này đều bắt buộc phải dùng dịch vụ DTALS.

Theo đó, DTALS gồm 3 lớp: lớp thu tín hiệu, lớp trung tâm xử lý dữ liệu; lớp ứng dụng với các hạ tầng công nghệ: hệ thống thông tin địa lý GIS - Cơ sở dữ liệu không gian - các kỹ thuật cung cấp số liệu PNT, khí tượng thời tiết - dịch vụ internet - GIS di động…

Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ DATLS giúp tăng năng suất, điều khiển chính xác máy móc, tối ưu tài nguyên; tăng năng suất từ 15-20% quan cánh đồng mẫu; giúp tiết kiệm chi phí 15-25% chi phí đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu); giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nâng cao cạnh tranh (chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng thị trường xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc minh bạch, xây dựng thương hiệu... của nông sản.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường: Ứng phó ô nhiễm nước thải bằng công nghệ thân thiện và giám sát thông minh

Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), hiện có nhiều chất ô nhiễm công nghiệp có khả năng xuyên qua hệ thống xử lý mà không bị loại bỏ bằng các phương pháp thông thường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều thế hệ.

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-105943_190

GS.TS. Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Viện trưởng Viện KHKT Môi trường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) trình bày về ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát ô nhiễm nước thải công nghiệp

Để kiểm soát hiệu quả, ba xu hướng đang được quan tâm là: nâng cao hiệu quả xử lý, tăng cường thu hồi chất có ích từ bùn thải, và thúc đẩy các công nghệ “xanh và thông minh” như màng lọc tiên tiến, AI, IoT trong giám sát và tái sử dụng.

Một trong những công nghệ nổi bật hiện nay là sử dụng bọt mịn và bọt siêu mịn để xử lý nước thải. Với kích thước chỉ từ vài micromet đến nanomet, các bọt khí này tạo ra diện tích tiếp xúc lớn, giúp tăng hiệu quả tách lọc và phân hủy chất ô nhiễm.

Khi vỡ ra, bọt siêu mịn giải phóng năng lượng, kích hoạt phản ứng sinh học và hóa học mà không cần hóa chất độc hại. Công nghệ này không chỉ thân thiện môi trường, mà còn giảm bùn thải, tiết kiệm chi phí vận hành và có thể ứng dụng linh hoạt trong công nghiệp và nông nghiệp tuần hoàn.

Song song đó, nhiều đơn vị đang triển khai mô hình cá chỉ thị sinh học nhằm giám sát chất lượng nước sau xử lý. Dựa trên phản ứng sinh học tự nhiên, nếu cá có biểu hiện bất thường như mất phương hướng, giảm ăn hay đổi màu da, điều đó cho thấy nước có dấu hiệu ô nhiễm. Các tín hiệu này được ghi nhận tự động, giúp cảnh báo sớm và kịp thời điều chỉnh hệ thống xử lý.

Theo ông Việt Anh, việc kết hợp công nghệ bọt siêu mịn với chỉ thị sinh học, cảm biến thời gian thực và nền tảng dữ liệu số sẽ tạo ra hệ thống cảnh báo thông minh, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro môi trường.

Đại diện Đại học Xây dựng Hà Nội kiến nghị Nhà nước cần phát triển các chương trình khoa học công nghệ quy mô lớn, mang tính liên ngành và hệ thống, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia nhằm tránh chồng chéo và tăng hiệu quả ứng dụng thực tiễn.

ThS. Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục chuyển đổi số: Chuyển đổi số bắt đầu từ tư duy quản lý

Tại Hội nghị, ThS. Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục chuyển đổi số trình bày về hiện trạng và giải pháp chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và môi trường.

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-111913_804

ThS. Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục chuyển đổi số, trình bày về hiện trạng và giải pháp chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp và Môi trường.

Theo ông Hà, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà bắt đầu từ sự chuyển biến trong tư duy quản lý và hoàn thiện khung pháp lý. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã có những bước đi vững chắc trong việc ban hành, điều chỉnh các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu của thời đại số.

Các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã được quán triệt và cụ thể hóa bằng những kế hoạch hành động rõ ràng, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành được đặt làm trọng tâm.

Là một trong những ngành có số lượng thủ tục hành chính lớn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tích hợp từ Trung ương đến địa phương. Hiện có 347 thủ tục hành chính ở cấp Trung ương, 225 ở cấp tỉnh, 55 ở cấp huyện và 23 ở cấp xã đã được tích hợp và cung cấp trực tuyến.

Người dân và doanh nghiệp ngày càng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công của ngành thông qua môi trường số, góp phần tăng tính minh bạch, giảm phiền hà và nâng cao hiệu quả phục vụ.

Về hạ tầng công nghệ thông tin của ngành đang được xây dựng đồng bộ, bài bản, trong đó nổi bật là việc vận hành các trung tâm dữ liệu hiện đại, điển hình như Trung tâm dữ liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (được khai trương trong năm 2024).

Bộ đã cung cấp hơn 1.000 máy chủ, trên 9.000 CPU, hơn 20 TB RAM và khoảng 800 TB lưu trữ dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý. Hệ thống tài khoản dùng chung với hơn 16.300 người dùng cùng gần 10.000 chữ ký số đã tạo nên một nền tảng kết nối nội bộ hiệu quả.

Đáng chú ý, hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử hợp nhất toàn ngành đã chính thức vận hành từ 1/3/2025, tiếp nhận và xử lý hơn 105.000 văn bản, trong đó trên 23.400 văn bản được ký số và lưu chuyển hoàn toàn trên môi trường điện tử.

Đối với nội dung ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào chuyên môn, ngành đang từng bước xây dựng kho tài nguyên số, nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ phân tích, điều hành và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai nông nghiệp thông minh, giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai và hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác an toàn, an ninh mạng được đặc biệt coi trọng. Các hệ thống thông tin của ngành hiện đang được giám sát chặt chẽ bởi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chuyên trách. Đến nay, chưa có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra, các sự cố nhỏ được phát hiện và xử lý kịp thời.

Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Môi trường hướng đến ba trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số, và Xã hội số. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong ngành dự kiến đạt từ 20-30%, thông qua việc số hóa tài nguyên, dữ liệu và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, điều hành.

Về các giải pháp đột phá và kiến nghị chính sách: Ngành xác định một số giải pháp đột phá: hoàn thiện thể chế pháp luật về chuyển đổi số, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, và ứng dụng các công nghệ chiến lược như Big Data, AI, IoT trong nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị được đưa ra, đáng chú ý là đề xuất xây dựng chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số - yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cho cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đảm bảo dữ liệu “Đúng - Đủ - Sạch -Sống” - tức là dữ liệu chính xác, đầy đủ, cập nhật và có khả năng chia sẻ, liên thông giữa các hệ thống.

GS Laurent Marc El Ghaoui, Phó Hiệu trưởng VinUni: Định hướng nghiên cứu vì môi trường và nông nghiệp bền vững

Trường Đại học VinUni đang tập trung phát triển nhiều hướng nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và khí tượng tại Việt Nam. Thông qua Trung tâm Trí tuệ Môi trường (CEI), VinUni ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và mô hình số để xây dựng các giải pháp giám sát môi trường, phát triển vật liệu bền vững và hỗ trợ nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

GS Laurent Marc El Ghaoui, Phó Hiệu trưởng VinUni, khẳng định nhà trường đã có những thành tựu nhất định trong ghiên cứu các công trình giao thông đô thị, giải pháp nuôi biển công nghệ cao và quan trắc khí tượng.

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-112530_692

GS.TS. Laurent Marc El Ghaoui, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni thuộc Tập đoàn Vingroup, chia sẻ về kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của Tập đoàn.

"Chúng tôi cam kết đầu tư trí tuệ và công nghệ để biến ý tưởng khoa học thành các giải pháp cụ thể, thiết thực. VinUni không chỉ dừng lại ở việc viết bài báo, mà khát khao tạo ra những giá trị thực tế cho Việt Nam. Hy vọng chúng tôi sẽ sớm thấy những vấn đề được giải quyết từ chính các công trình nghiên cứu này", ông Laurent Marc El Ghaoui nói.

Định hướng này cho thấy, VinUni không ngừng mở rộng vai trò trong hệ sinh thái khoa học công nghệ, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh và xã hội phát triển bền vững.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bổ sung, rằng kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển của Trường Đại học VinUni là nguồn tham khảo quý báu trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và phát triển nuôi biển bền vững. Trong đó, lĩnh vực nuôi biển đặc biệt cần sự hợp tác quốc tế, bởi Việt Nam vẫn đang đi sau về công nghệ. Thực tế, nhiều mô hình nuôi biển hiện đại đã được triển khai thử nghiệm tại Khánh Hòa, mang lại những tín hiệu tích cực.

Với vùng biển rộng khoảng 1 triệu km², nếu khai thác hiệu quả chỉ một nửa diện tích, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra nguồn lợi kinh tế to lớn, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh và bền vững.

TS Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC: Kiến nghị Chính phủ giao thêm nhiệm vụ KHCN cho doanh nghiệp

TS Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, giao thêm nhiệm vụ KHCN cho doanh nghiệp trong việc phát triển các thế hệ vacxin dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) mới hiệu quả hơn, phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất.

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-113325_365

TS. Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, chia sẻ về nghiên cứu, thương mại hóa vacxin dịch tả lợn Châu Phi.

Theo TS Nguyễn Văn Điệp, DTLCP gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2019, dịch bệnh này không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm và sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi.

Để đối phó với thách thức này, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, trong đó nghiên cứu và phát triển vacxin được xem là ưu tiên hàng đầu. AVAC bắt đầu dự án nghiên cứu vacxin DTLCP vào cuối năm 2020 theo hướng nhược độc, khác với các phương pháp mà những công ty nghiên cứu trước đó đã lựa chọn. Để tạo ra vacxin hiệu quả, AVAC cần đảm bảo 3 yếu tố chính: chủng virus, tế bào và dữ liệu.

Các đơn vị phát triển có thể nhập chủng virus gốc từ Mỹ, nhưng chất lượng vacxin chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ tế bào. Một số doanh nghiệp sử dụng tế bào đại thực bào sơ cấp thu từ lợn sau khi giết mổ. Tuy nhiên, loại tế bào này thường tạp nhiễm, không ổn định và chi phí cao.

Trong khi đó, AVAC đã làm chủ công nghệ tế bào và virus, tối ưu hóa giống virus ứng viên nhập từ Mỹ thành giống gốc vacxin của mình khi chọn lọc và nuôi trên tế bào dòng DMAC do công ty tự phát triển. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu trực tiếp, với nhiều tính năng vượt trội đã được đăng ký bằng độc quyền sáng chế.

Về dữ liệu, các thử nghiệm vacxin phải được thực hiện trên hàng chục nghìn con lợn, từ sơ sinh đến lợn nái, nhằm đảm bảo độ chính xác về liều lượng, tuổi bài thải, khả năng tái độc và kháng thể mẹ truyền. Việc nghiên cứu cũng cần phải diễn ra trong các phòng thí nghiệm và khu thử nghiệm có kiểm soát tốt để thu được dữ liệu đáng tin cậy.

Thực tế, AVAC đã thử nghiệm vacxin trên 20 tỉnh thành, từ quy mô vài trăm đến hàng nghìn con lợn, theo dõi từ lúc tiêm cho đến khi xuất bán. Mỗi lần chứng minh như vậy có khi tốn thời gian theo dõi bằng cả một đời lợn thịt.

Sau khi thấy lợn an toàn, không ốm và không phát bệnh, người chăn nuôi cùng với địa phương mới bắt đầu tin tưởng để mở rộng quy mô tiêm vacxin. Một số tỉnh đã tiêm vacxin của AVAC ở quy mô lớn, chẳng hạn, Cao Bằng với 88.000 liều, Bắc Ninh khoảng 49.000 liều và Lạng Sơn với 57.000 liều.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thử thách đối với vacxin trong quá trình sử dụng trong chăn nuôi. Vacxin AFS mới được cho phép lưu hành dùng cho lợn thịt, cần vacxin cho lợn giống. AVAC đã xây dựng quy trình sử dụng vacxin cho lợn giống; đã phối hợp với Cục chăn nuôi Thú y xây dựng tiêu chuẩn đánh giá vắc xin cho lợn giống.

Ngoài ra, xuất hiện biến chủng mới, chủng tái tổ hợp giữa genotype I và II mà vacxin hiện tại không bảo hộ hiệu quả. Do đó cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển loại vacxin mới.

Qua đó, ông Điệp kiến nghị Cục Chăn nuôi Thú y hỗ trợ, triển khai nhanh chóng công tác đánh giá và cấp phép lưu hành vacxin DTLCP cho đối tượng lợn giống; Chính phủ hỗ trợ, giao thêm nhiệm vụ KHCN cho doanh nghiệp trong việc phát triển các thế hệ vacxin DTLCP mới hiệu quả hơn, phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất.

TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ: Xác định 3 trụ cột chiến lược để đổi mới hoạt động KHCN

Trong bối cảnh đổi mới và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, khoa học và công nghệ (KHCN) đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững ngành Nông nghiệp và Môi trường. Tuy nhiên, một loạt những tồn tại và “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế tài chính, tổ chức, cũng như tư duy điều hành đang cản trở việc phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có.

khoa-hoc-cong-nghe-cung-co-vi-the-nong-san-viet-115148_753

TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, chia sẻ các trụ cột chiến lược để đổi mới hoạt động khoa học, công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Một trong những vấn đề cốt lõi được các cấp lãnh đạo Bộ chỉ rõ trong thời gian qua chính là sự chậm trễ trong đổi mới thể chế, đặc biệt là các quy định liên quan đến cơ chế trọng dụng nhân tài. Hiện nay, chưa có hành lang pháp lý đủ linh hoạt để thu hút, giữ chân đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, cũng như xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh yếu tố nền tảng cho bất kỳ sự phát triển đột phá nào.

Mặc dù ngành đang sở hữu một lực lượng hơn 11.400 nhà khoa học, cùng với mạng lưới 21 tổ chức nghiên cứu khoa học và hơn 16.000ha đất, nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn. Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu các chính sách trọng dụng cụ thể, mang tính cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Việc này đã được Bộ ghi nhận và có kiến nghị chính thức gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ theo hướng cởi mở, thực tiễn hơn.

Một bất cập khác là phân bổ nguồn lực thiếu hợp lý. Ở cấp địa phương, ngân sách chi cho KHCN có thể lên tới 2% tổng chi, nhưng lại thiếu đội ngũ nhân lực thực hiện. Trong khi đó, ở cấp Trung ương, nơi tập trung nhiều nhà khoa học đầu ngành, thì lại thiếu kinh phí để triển khai nghiên cứu.

Không chỉ vậy, trong tổng kinh phí dành cho KHCN, chi trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu chỉ chiếm khoảng 46%, phần còn lại dồn vào duy trì bộ máy, lương thưởng, hành chính điều này đã triệt tiêu phần lớn khả năng tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có giá trị thương mại hoặc ứng dụng thực tiễn.

Bên cạnh đó, cách đầu tư theo kiểu “manh mún”, dàn trải theo giai đoạn khiến nhiều nơi có thiết bị nhưng không có người vận hành, có phòng thí nghiệm nhưng lại thiếu kinh phí để duy trì. Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm trong ngành chỉ được cấp khoảng 3,5 tỷ đồng/năm chỉ đủ để duy trì hoạt động cơ bản.

Một rào cản lớn nữa chính là thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài. Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học mất tới 5-6 năm từ khi đề xuất đến khi được phê duyệt và triển khai, khiến kết quả nghiên cứu không còn phù hợp thực tế. Điều này làm chậm nhịp chuyển giao công nghệ vào sản xuất và gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Thực tế cho thấy, chúng ta có tiềm năng lớn nhưng vẫn loay hoay với tư duy quản lý kiểu cũ, thiếu cơ chế tự chủ thực chất cho các tổ chức KHCN từ tài chính, nhiệm vụ đến tổ chức nhân sự. Trong khi doanh nghiệp có thể vay vốn, đầu tư nghiên cứu, thì các tổ chức khoa học lại bị bó buộc trong khuôn khổ hành chính, thiếu quyền tự quyết và linh hoạt.

Điều đáng lo ngại là trong khi các quốc gia phát triển tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc, có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế, thì tại Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường số lượng các nhóm nghiên cứu mạnh còn rất ít. Tốc độ tăng trưởng về số lượng giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học đầu ngành cũng đang có chiều hướng chững lại, thậm chí suy giảm từ năm 2024 đến nay.

Với tầm nhìn dài hạn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã xác định đây là khâu đột phá, yêu cầu các đơn vị phải đề xuất giải pháp cụ thể để thu hút, bồi dưỡng và phát triển các nhóm nghiên cứu chất lượng cao, đồng thời tăng cường liên kết với khối đại học, tư nhân và doanh nghiệp để huy động thêm nguồn lực xã hội.

Một vấn đề quan trọng khác là hiện nay, các chương trình khoa học công nghệ quốc gia chủ yếu do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, trong khi các Bộ chuyên ngành như Nông nghiệp và Môi trường nơi trực tiếp thực hiện và ứng dụng các kết quả nghiên cứu lại bị động trong tiếp cận nguồn lực và triển khai nhiệm vụ. Điều này đã khiến nhiều đề tài có tính ứng dụng cao bị chậm lại hoặc không triển khai được.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ chuyển giao quyền quản lý một số chương trình KHCN quốc gia về cho Bộ chuyên ngành để bảo đảm sự chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn trong tổ chức thực hiện.

Từ thực tiễn nêu trên, Bộ đã xác định 3 trụ cột chiến lược để đổi mới hoạt động KHCN trong thời gian tới: Thể chế hóa các cơ chế đặc thù, tháo gỡ vướng mắc để phát huy tiềm năng nội lực và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến: Khoa học công nghệ củng cố vị thế nông sản Việt

Phát biểu tổng kết phiên sáng Hội nghị Triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Hội nghị lần này đã tạo nên chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của công chúng về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

nghi-quyet-57-huong-toi-nong-nghiep-xanh-moi-truong-ben-vung-113959_216

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nhờ khoa học công nghệ, Việt Nam đang tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Với 1.114 đại biểu tham dự trực tiếp tại Bắc Ninh và gần 10.000 lượt theo dõi trực tuyến, Hội nghị đã thu hút sự quan tâm rộng rãi. Các báo cáo trình bày trong phiên sáng được đánh giá cao nhờ nội dung trọng tâm, phương pháp trình bày rõ ràng và nhấn mạnh các công nghệ mới đang được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Thứ trưởng khẳng định, từ những báo cáo này, có thể thấy rõ, nhờ khoa học công nghệ, Việt Nam đang tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Trong phiên chiều, hội nghị sẽ tiếp tục với các báo cáo chuyên sâu, xoay quanh 4 trụ cột chính của ngành: trồng trọt, lâm nghiệp; chăn nuôi, thủy sản; môi trường, tài nguyên nước; và thủy lợi, phòng chống thiên tai, khí tượng.

Theo chương trình Hội nghị, chiều nay, sẽ diễn ra phiên chuyên đề, với 4 nhóm trọng tâm: (1) Trồng trọt - Bảo vệ thực vật - Lâm nghiệp; (2) Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản; (3) Môi trường - Tài nguyên nước; (4) Thủy lợi - Phòng, chống thiên tai - Biến đổi khí hậu. 

Tại đây, các đại biểu sẽ thảo luận về các định hướng nghiên cứu, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học phục vụ phát triển ngành.

 

Nhóm PV thời sự Báo NN&MT

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký loạt thỏa thuận về khoa học công nghệ

Sáng 10/5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký loạt thỏa thuận hợp tác về phát triển khoa học công nghệ với các hiệp hội chuyên ngành.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Khoa học công nghệ và chuyển đổi số là nền tảng kiến tạo đột phá cho Ngành Nông nghiệp và Môi trường trong kỷ nguyên mới

Đó là khẳng định Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy tại Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường sáng 10/5 tại tỉnh Bắc Ninh.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo xây dựng Nghị định Quản lý loài quý, hiếm: Tạo đột phá trong bảo tồn và phát triển kinh tế bền vững

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo xây dựng Nghị định Quản lý loài quý, hiếm: Tạo đột phá trong bảo tồn và phát triển kinh tế bền vững

Ngày 9/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm (CITES).