Sign In

Ninh Bình: Lập tổ công tác ứng trực 24/7, sẵn sàng phương án sơ tán dân

21:50 21/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng yêu cầu các xã, phường khẩn trương rà soát hệ thống đê điều, cắt tỉa cây xanh, khơi thông hệ thống thoát nước, xử lý ngay những điểm có nguy cơ sạt lở.

Ngày 21/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Công văn hỏa tốc số 56-CV/TU, yêu cầu toàn tỉnh tập trung cao độ cho công tác phòng, chống bão số 3 (bão Wipha), trong bối cảnh cơn bão được dự báo có cường độ mạnh, di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới địa bàn.

Các đơn vị của tỉnh Ninh Bình cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công tác ứng phó bão Wipha. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các đơn vị của tỉnh Ninh Bình cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công tác ứng phó bão Wipha. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Công văn do Bí thư Tỉnh ủy Trương Quốc Huy ký ban hành, bão Wipha là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng rộng, có thể gây mưa lớn, sạt lở và ngập úng tại nhiều khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trước tình hình này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định ứng phó với bão là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Toàn tỉnh được lệnh triển khai nghiêm túc các Công điện số 112 và 117 của Thủ tướng Chính phủ cùng các văn bản hướng dẫn của Trung ương, với tinh thần “khẩn trương, chủ động, quyết liệt nhất”. Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định và giảm thiểu thiệt hại thiên tai.

Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các Sở chỉ huy tiền phương sẽ do các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, lãnh đạo sở, ngành trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc tại thực địa. Các huyện, xã, phường thành lập tổ công tác ứng trực 24/7, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân, lực lượng cứu hộ cứu nạn, vật tư, thiết bị, đặc biệt tại các vị trí xung yếu.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng vũ trang, công an, quân sự, biên phòng phối hợp triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, kịp thời hỗ trợ địa phương khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, công tác thông tin tuyên truyền được giao cho Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình tỉnh cập nhật liên tục diễn biến thời tiết và hướng dẫn kỹ năng phòng tránh bão.

Một trong những nội dung đáng chú ý là yêu cầu các xã, phường khẩn trương rà soát hệ thống đê điều, cắt tỉa cây xanh, khơi thông hệ thống thoát nước, xử lý ngay những điểm có nguy cơ sạt lở, úng ngập. Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND cấp xã, phường phải trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và UBND tỉnh về hiệu quả công tác ứng phó tại cơ sở.

Công văn cũng phân công rõ trách nhiệm cho từng Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc theo dõi địa bàn phụ trách, hỗ trợ xử lý tình huống phát sinh và báo cáo cấp có thẩm quyền nếu vượt quá quyền hạn.

Văn phòng Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Ban Thường vụ; cập nhật diễn biến thực tế và kịp thời báo cáo lãnh đạo tỉnh để có điều chỉnh chỉ đạo phù hợp.

Bảo Thắng - Quang Dũng - Phạm Hiếu

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Trước giờ bão số 3 đổ bộ, Ninh Bình chốt chặt mọi điểm xung yếu

Triển khai lực lượng 24/7, kiểm tra trọng điểm xung yếu, di dời dân khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo an toàn đê điều… Ninh Bình bước vào cao điểm chống bão số 3.

Quảng Bình cần thể chế và quy hoạch để phát triển kinh tế biển

Ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh sự cần thiết của thể chế và quy hoạch để phát triển kinh tế biển của địa phương.

Lào Cai phòng dịch thủy sản từ sớm để bảo vệ môi trường

Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi thủy sản nước lạnh, một thế mạnh của tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành công văn 2368/UBND-NLN với nhiều chỉ đạo quan trọng về việc tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong năm 2025.