Bộ NN-MT vừa ban hành Thông tư 27/2025/TT-BNNMT quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm; nuôi động vật rừng thông thường và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Tiêu chí phân loại các loài nguy cấp
Theo Thông tư, danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm gồm: Nhóm I, Nhóm II
Nhóm I gồm các loài nghiêm cấm khai thác và sử dụng mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại, bao gồm: loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Trong nhóm này có chia làm 2 nhóm nhỏ: Nhóm IA: thực vật rừng và Nhóm IB: động vật rừng.
Nhóm II là các loài hạn chế khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại, bao gồm: Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Nhóm IIA: thực vật rừng, Nhóm IIB: động vật rừng).
Có 4 tiêu chí xác định loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I. Đầu tiên là loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I Công ước CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam hoặc được Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam đánh giá trên cơ sở tiêu chí của IUCN hoặc Sách Đỏ Việt Nam từ bậc đe dọa Nguy cấp (EN) đến Cực kỳ nguy cấp (CR).
Đối với giống cây trồng, giống vật nuôi nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, tiêu chí xét nhóm I là hệ số đa dạng nguồn gen của giống thấp hơn 0,25; Tỷ lệ hộ nuôi, trồng dưới 10% tổng số hộ nuôi, trồng tại nơi xuất xứ; Diện tích trồng dưới 0,5 héc ta đối với nhóm cây lương thực, thực phẩm; dưới 0,3 héc ta đối với nhóm cây công nghiệp hàng năm; dưới 0,1 héc ta đối với nhóm cây rau, cây hoa, cây dược liệu; hoặc số lượng dưới 250 cá thể đối với nhóm cây công nghiệp lâu năm; dưới 500 cá thể đối với nhóm cây ăn quả, cây cảnh; Giống vật nuôi được xác định là giống có số lượng cá thể còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng khi số lượng con giống thuần chủng dưới 100 cá thể cái giống và dưới 05 cá thể đực giống hoặc toàn bộ đàn có số lượng cá thể dưới 120.
Đối với nấm và vi sinh vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài thuộc nhóm I có số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng khi loài bị suy giảm quần thể ít nhất 50% trong thời gian 10 năm tính tới thời điểm đánh giá và đang sống trong môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng.
Các loại Nhóm I còn lại là ngoài thuộc Phụ lục I Công ước CITES đồng thời đáp ứng một trong các tiêu chí là loài đặc hữu; có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường, văn hóa - lịch sử.
Loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II phải là loài hiện có tên trong Phụ lục II, Phụ lục III Công ước CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam.
Loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm II hiện có tên trong Danh lục Đỏ IUCN ở bậc đe dọa từ sẽ nguy cấp (VU) trở lên hoặc loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam ở bậc đe dọa từ sẽ nguy 6 cấp (VU) trở lên được Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam đánh giá cần có biện pháp quản lý hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Còn lại là các loài đang bị khai thác và buôn bán quá mức hoặc theo tiêu chí của IUCN được Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam đánh giá là có khả năng sẽ bị nguy cấp trong tự nhiên, cần có biện pháp quản lý hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Bộ NN-MT ban hành quy định mới về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếmBảo tồn tại chỗ các loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm I
Về các biện pháp bảo tồn, bảo vệ loài nguy cấp, quý, hiếm, Thông tư quy định: Loài nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I sinh sống tự nhiên được bảo tồn tại chỗ tại khu vực phân bố tự nhiên của chúng thông qua việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên hoặc thực hiện các biện pháp bảo vệ nơi sinh sống, nơi di trú theo pháp luật có liên quan đối với việc quản lý, bảo vệ loài đó ở khu vực chưa thành lập khu bảo tồn thiên nhiên.
Các loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo tồn chuyển chỗ thông qua các hoạt động sau: cứu hộ, nuôi, trồng cấy nhân tạo, lưu giữ, bảo quản nguồn gen, mẫu vật của loài nguy cấp, quý, hiếm để hỗ trợ cho công tác phục hồi quần thể loài ngoài tự nhiên; thả lại, chuyển vị bảo tồn để bảo vệ, phục hồi loài tại nơi sinh sống tự nhiên của chúng theo quy định pháp luật về đa dạng sinh học.
Chế độ quản lý, bảo tồn giống cây trồng, giống vật nuôi nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thực hiện theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, trồng trọt.