Sign In

Tăng quyền địa phương, hợp thức hóa quản lý cộng đồng trong lĩnh vực thủy sản

14:10 25/06/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Từ ngày 1/7/2025, Thông tư số 10/2025/TT-BNNMT của Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tổ chức quản lý lĩnh vực thủy sản và kiểm ngư.

Đây là văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 131 và Nghị định 136 của Chính phủ, với trọng tâm là đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương và đưa mô hình quản lý cộng đồng vào khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thống nhất.

Thông tư mới phân cấp mạnh cho địa phương, đồng thời lần đầu công nhận vai trò quản lý tài nguyên thủy sản của cộng đồng ngư dân.

Một trong những nội dung đáng chú ý là việc lần đầu tiên chính quyền cấp xã được giao quyền thực chất trong giám sát và quản lý hoạt động thủy sản tại địa bàn. Cụ thể, UBND cấp xã sẽ trực tiếp báo cáo tình hình dịch bệnh thủy sản, phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong công tác tiêu hủy, kiểm soát dịch và tổ chức tập huấn cho người nuôi. Ngoài ra, cấp xã còn có trách nhiệm phối hợp xây dựng, rà soát phương án bảo vệ nguồn lợi tại các khu vực có đồng quản lý hoặc bảo tồn biển. 

Việc mở rộng vai trò cho cấp xã phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp đang được triển khai trên toàn quốc, góp phần tinh gọn hệ thống và tăng tính phản ứng tại chỗ trong quản lý ngành.

Lần đầu công nhận vai trò quản lý tài nguyên thủy sản của cộng đồng ngư dân

Thông tư 10 còn đánh dấu bước tiến lớn trong việc hợp thức hóa mô hình quản lý cộng đồng trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Thay vì chỉ tồn tại dưới dạng thí điểm hoặc dự án hợp tác quốc tế, các tổ chức cộng đồng nay có thể nộp hồ sơ đề nghị công nhận và được UBND cấp tỉnh ra quyết định giao quyền quản lý. 

Bộ hồ sơ và trình tự được quy định rõ ràng, từ đề án khai thác, bảo vệ nguồn lợi, quy chế hoạt động, đến biên bản họp tổ chức cộng đồng. Khi được công nhận, các tổ chức này sẽ tham gia trực tiếp vào quản lý tài nguyên biển, phối hợp với chính quyền trong tuần tra, giám sát, tổ chức khai thác và tái tạo nguồn lợi. Đây là lần đầu tiên mô hình “đồng quản lý” được đưa vào văn bản dưới luật với tính pháp lý rõ ràng, mở đường cho nhân rộng trên toàn quốc.

Cùng với đó, Thông tư ban hành 35 mẫu biểu hành chính áp dụng cho các thủ tục trọng yếu trong lĩnh vực thủy sản và kiểm ngư. Từ cấp phép nhập khẩu tàu cá, khảo nghiệm giống mới, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng, đến cấp lại đăng kiểm, khai thác loài quý hiếm, thành lập hoặc điều chỉnh khu bảo tồn biển cấp tỉnh... Tất cả đều được chuẩn hóa về hồ sơ, trình tự và trách nhiệm từng cấp. Quy định mới cũng yêu cầu khi điều chỉnh khu bảo tồn biển phải lấy ý kiến cộng đồng địa phương, với tỷ lệ đồng thuận tối thiểu 70%, nhằm bảo đảm tính đồng thuận và minh bạch.

Điểm đáng lưu ý nữa, Thông tư đã điều chỉnh hàng loạt cụm từ, chức danh và cơ quan cho phù hợp với việc sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Cụ thể, các cụm “Cục Thủy sản” được đổi thành “Cục Thủy sản và Kiểm ngư”, “Cục Thú y” thành “Cục Chăn nuôi và Thú y”, đảm bảo đồng bộ giữa nội dung chuyên môn và cơ cấu tổ chức mới. Cơ quan chủ trì thẩm định và ra quyết định đối với các dự án khu bảo tồn biển cấp tỉnh cũng được xác định rõ là UBND cấp tỉnh, giúp rút gọn quy trình và tăng tính chủ động cho địa phương.

Với định hướng phân cấp sâu, minh bạch hóa thủ tục và tăng cường vai trò của cộng đồng, Thông tư số 10/2025/TT-BNNMT được kỳ vọng sẽ mở ra cách tiếp cận mới trong quản lý ngành thủy sản. Việc trao quyền đúng chỗ, từ cấp xã đến tổ chức cộng đồng, không chỉ giúp giảm tải cho cơ quan trung ương, mà còn tạo động lực để địa phương và người dân cùng chung tay gìn giữ nguồn lợi biển bền vững.

Bảo Thắng

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Đề xuất hợp nhất 5 viện nghiên cứu trong lĩnh vực thủy sản

Ngành thủy sản đề xuất hợp nhất 5 viện nghiên cứu, hướng tới mô hình viện mới tinh gọn, phát huy lợi thế vùng, nâng cao hiệu quả nghiên cứu và quản lý.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì phiên họp phát triển nghề cá bền vững

Việt Nam cam kết hợp tác với các đối tác quốc tế phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, hỗ trợ sinh kế cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ.

Ủy ban châu Âu đồng hành cùng Việt Nam phát triển nghề cá bền vững

Ngày 5/6 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến làm việc với Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-MARE).