Trong khuôn khổ các Hội nghị: Ban bổ trợ khoa học Công nghệ lần thứ 62 (SBSTA62), Ban Bổ trợ thực hiện lần thứ 62 (SBI62) được tổ chức tại Bonn Cộng hoà Liên bang Đức từ ngày 16-26/6/2025, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị SB62 làm việc với một số đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Các buổi gặp cũng nhằm cập nhật các chính sách, các chương trình về ứng phó với biến đổi khí hậu của các đối tác, chia sẻ thông tin về những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam; đồng thời chia sẻ quan điểm về các nội dung đàm phán ưu tiên của mỗi quốc gia.
Tại cuộc họp với Trưởng đoàn Việt Nam, bà Anna Broadhurst, Cố vấn về biến đổi khí hậu, Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand nhấn mạnh: New Zealand mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam thông qua thực hiện Bản thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường trước đây và Bộ Ngoại giao và Thương mại Newzealand được ký kết ngày 24/2/2025. Trong đó, 3 nội dung hợp tác trọng tâm bao gồm: Thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và thị trường các-bon.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị SB62 và bà Anna Broadhurst, Cố vấn về biến đổi khí hậu, Bộ Ngoại giao và Thương mại New ZealandPhía New Zealand đề nghị Việt Nam cử cán bộ tham dự Hội thảo về thích ứng với biến đổi khí hậu và Cuộc họp các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương về thị trường các-bon, đồng thời, trao đổi các hoạt động hợp tác trong 2 lĩnh vực nói trên.
Về giảm phát thải khí nhà kính, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất các hoạt động hợp tác cụ thể nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp. Về thị trường các-bon, đại diện New Zealand chia sẻ: Nông nghiệp là lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn tại New Zealand, và nước này đã lĩnh vực nông nghiệp tham gia thị trường các-bon nhằm mục tiêu thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính.
Về phần mình, Trưởng đoàn Việt Nam Lê Ngọc Tuấn đề nghị New Zealand hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, tăng cường năng lực về kiểm kê khí nhà kính cho các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính.
Cũng tại Hội nghị SB62, Trưởng đoàn Việt Nam đã có cuộc họp với bà Ana Pejović, Phòng minh bạch, Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Nội dung xoay quanh Sáng kiến nâng cao năng lực mới để cải thiện chất lượng dữ liệu phát thải khí mê-tan trong lĩnh vực nông nghiệp và chất thải.
Cuộc họp với Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)Đại diện Ban Thư ký Công ước cho biết, UNFCCC dự kiến tổ chức hội thảo đào tạo về kiểm kê khí nhà kính và mong muốn Việt Nam phối hợp tổ chức các khóa đào tạo này. Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Việt Nam đã tham gia Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu, trong đó các bên tham gia cam kết cùng nhau giảm phát thải mê-tan từ các hoạt động của con người trong tất cả các lĩnh vực đến năm 2030 ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020. Đồng thời ngày 5/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 942/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030. Do vậy, việc tham gia các khóa đào tạo là cơ hội cho Việt Nam tăng cường năng lực về kiểm kê khí nhà kính, với sự tham gia từ các chuyên gia của Công ước. Ông Tuấn đề nghị hai bên sẽ tiếp tục trao đổi để triển khai hợp tác trong tương lai.
Cũng liên quan đến việc tăng cường hợp tác song phương trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Trưởng đoàn Việt Nam cũng đã có Cuộc họp với Đoàn đàm phán CHLB Đức. Ông Philipp Behrens, Trưởng bộ phân Sáng kiến Khí hậu (IKI) của CHLB Đức cho biết: Mặc dù có sự thay đổi trong cơ cấu (Quỹ IKI được quyết định chuyển về để Bộ Môi trường quản lý), Chính phủ Đức vẫn quan tâm, ưu tiên hợp tác với Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cập nhật tiến trình xây dựng Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Liên minh châu Âu (EU) và các mục tiêu giảm phát thải của EU, CHLB Đức.
Cũng trong Cuộc họp, đại diện Đoàn đàm phán Đức đã nêu vấn đề Việt Nam nên xem xét việc tham gia Câu lạc bộ khí hậu (hiện đã có 46 thành viên) để nhận được hỗ trợ từ cơ chế này, đặc biệt là liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp như thép xanh, xi-măng xanh.
Cuộc họp với Đoàn đàm phán CHLB ĐứcVề phía Việt Nam, ông Lê Ngọc Tuấn cũng cập nhật thông tin về tình hình xây dựng NDC 3.0, các chính sách về biến đổi khí hậu vừa được phê duyệt của Việt Nam và mong muốn học tập kinh nghiệm của Đức trong phát triển vận hành thị trường các-bon, kinh nghiệm trong xây dựng các quy định của pháp luật về biến đổi khí hậu.
Cũng trong nỗ lực thúc đẩy các hoạt động hợp tác, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự SB62 đã có cuộc họp với ông Deo Gabinete, Quản lý khu vực, Bộ phận hỗ trợ NDCP và bà Prakriti, cán bộ phụ trách Việt Nam nhằm chia sẻ về tiến độ xây dựng NDC 3.0 tại Việt Nam, đề xuất định hướng hợp tác với NDCP nhằm hỗ Việt Nam xây dựng lộ trình tài chính thực hiện NDC 3.0.
Trước đó đại diện Việt Nam cũng tham dự cuộc họp tham vấn không chính thức của NDCP do Brazil chủ trì nhằm tìm hiểu về các hợp tác giữa các quốc gia và NDCP, định hướng hợp tác trong tương lai và điểm mạnh NDCP có thể hỗ trợ các quốc gia theo quan điểm của các nước thành viên NDCP.