Sign In

Tích cực mở rộng thị trường, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng hơn 15%

14:55 03/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 6/2025 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2024, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5%.

Đó là thông tin được công bố tại họp báo thường kỳ tháng 6 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường ngày 3/7.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2025 diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì đà tăng trưởng tích cực. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã chủ động, linh hoạt trong điều hành, thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, ổn định thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sáng 3/7. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sáng 3/7. Ảnh: Linh Linh.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 đạt 4% với kim ngạch xuất khẩu từ 64 - 65 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thặng dư thương mại đạt 9,83 tỷ USD, tăng 16,5% cho thấy sức cạnh tranh ngày càng tăng của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định nếu duy trì tốc độ này, mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD như chỉ đạo của Chính phủ là hoàn toàn khả thi.

Về lĩnh vực trồng trọt, sản lượng lúa gạo 6 tháng đầu năm đạt 22,7 triệu tấn (so với mức 43,5 triệu tấn của cả năm 2024) cho thấy tình hình sản xuất được duy trì ổn định. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 9,18 triệu tấn, tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên thị trường lương thực toàn cầu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết cơ cấu thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang có sự thay đổi rõ rệt. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc tương đương nhau, lần lượt chiếm 21,8% và 21,6%. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm nay, Mỹ đạt 7,14 tỷ USD (21,1%), trong khi Trung Quốc giảm còn 5,94 tỷ USD (17,6%). Nhật Bản đạt 2,44 tỷ USD (7,2%), cho thấy chuyển biến tích cực.

Diễn biến này đòi hỏi điều chỉnh chiến lược xúc tiến và mở rộng thị trường phù hợp. Riêng với các mặt hàng như cà phê, lúa gạo, trái cây, cá tra và tôm, Bộ đang tích cực xúc tiến để mở rộng thị trường, gần nhất là thỏa thuận với Brazil về thịt bò và triển vọng xuất khẩu cá tra, cà phê, lúa sang thị trường tiềm năng này.

Đối với chăn nuôi, quy mô đàn lợn của Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới với mức tăng trưởng 3,8% trong 6 tháng đầu năm. Năm ngoái, sản lượng thịt đạt 8,24 triệu tấn, năm nay dự báo tiếp tục tăng. Sản lượng sữa đạt khoảng 1,25 triệu tấn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến lưu ý tốc độ tăng trưởng chăn nuôi năm 2024 là 5,4%, vẫn thấp hơn mức 5,93% của năm 2022. Đây tiếp tục là trụ cột đóng góp quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng toàn ngành.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, ngành thú y tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát hiệu quả đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, viêm da nổi cục và dịch tả lợn Châu Phi. Đối với bệnh dại, năm 2024 ghi nhận tới 82 ca tử vong, chủ yếu do tỷ lệ tiêm phòng vacxin còn thấp, năm 2025 hiện chưa có số liệu thống kê chính thức trong 6 tháng đầu năm. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Chăn nuôi và Thú y rà soát, thống kê đầy đủ tình hình bệnh dại để phục vụ sơ kết và xây dựng giải pháp phòng, chống hiệu quả trong thời gian tới.

Lĩnh vực thủy sản đạt sản lượng 4,6 triệu tấn, bằng một nửa kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng mới đạt 3,1%, do đó cần dồn lực cho cả hai khu vực Bắc và Nam để đảm bảo đạt mục tiêu 9,6–9,7 triệu tấn trong năm nay. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đạt 5,16 tỷ USD. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định nếu duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành trong 6 tháng đầu năm thì mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD như chỉ đạo của Chính phủ là hoàn toàn khả thi. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định nếu duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành trong 6 tháng đầu năm thì mục tiêu xuất khẩu 70 tỷ USD như chỉ đạo của Chính phủ là hoàn toàn khả thi. Ảnh: Linh Linh.

Về chiến lược phát triển dài hạn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp kiên định nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, bảo đảm yếu tố công bằng xã hội và hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, công tác hoàn thiện thể chế đang được đẩy mạnh. Chính phủ đã ban hành các nghị định về phân cấp quản lý và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Bộ đang rà soát, tổng kết để đề xuất sửa đổi các luật chuyên ngành, hướng đến thể chế hóa các chủ trương mới, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, hiệu quả hơn.

Đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết trước bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới và trong nước năm 2025 tiếp tục tiềm ẩn nhiều thách thức đan xen cơ hội, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục phát triển theo chuỗi giá trị kinh tế từ sản xuất đến chế biến nhằm gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước lẫn xuất khẩu.

Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn chính sách, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, triển khai chiến lược phát triển từng ngành hàng, điều chỉnh sản xuất linh hoạt theo tín hiệu thị trường để tránh mất cân đối cung - cầu. Đồng thời tăng cường quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu nông sản và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu chủ lực và tiềm năng như Trung Quốc, EU, Nhật Bản.

Linh Linh

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Thủ tướng yêu cầu kiên định mục tiêu, thực hiện '3 tăng tốc'

Thủ tướng yêu cầu kiên định mục tiêu, thực hiện '3 tăng tốc'

Kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong gần 20 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu "3 tăng tốc" để huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024, giải ngân 100% vốn đầu tư công để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 8% và hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, xây dựng ít nhất 100.000 căn nhà ở xã hội.
Thủ tướng nêu 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Thủ tướng nêu 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, 6 tháng đầu năm, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Đổi mới sáng tạo trong khuyến nông bắt nhịp mô hình chính quyền hai cấp

Đổi mới sáng tạo trong khuyến nông bắt nhịp mô hình chính quyền hai cấp

Sáng 3/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2025.