Sign In

Tiếp thu, hoàn thiện Đề án thành lập Viện Khoa học Thủy sản Việt Nam

22:19 02/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc hợp nhất các viện thủy sản để thành lập Viện Khoa học Thủy sản Việt Nam là chủ trương lớn nhằm tái cấu trúc tổ chức, tinh gọn bộ máy, phát huy tối đa tiềm năng ngành thủy sản vốn có quy mô lớn và nhiều lợi thế, cùng nhiều cơ sở nghiên cứu trải dài từ Lào Cai đến Cà Mau. Việc sắp xếp lại tổ chức phải đảm bảo sự ổn định, giữ gìn các giá trị truyền thống của các viện nghiên cứu vùng miền, nhưng vẫn phải hướng tới mô hình quản lý hiện đại, nâng cao chất lượng nghiên cứu và chuyển giao, góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chiều 2/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, Vụ Tổ chức cán bộ đã tổ chức cuộc họp hoàn thiện Đề án thành lập Viện Khoa học Thủy sản Việt Nam, với sự tham dự của đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học công nghê, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ, và các vụ, viện chuyên ngành thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lắng nghe ý kiến góp ý hoàn thiện Đề án thành lập Viện Khoa học Thủy sản. Ảnh: Hồng Ngọc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lắng nghe ý kiến góp ý hoàn thiện Đề án thành lập Viện Khoa học Thủy sản. Ảnh: Hồng Ngọc.

Tại cuộc họp, đại diện ban soạn thảo cho biết Đề án đã được chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị thuộc Bộ, tập trung làm rõ phạm vi, tên gọi và chức năng nhiệm vụ của Viện mới.

Đặc biệt, cơ cấu tổ chức đã được sắp xếp lại, giảm số lượng đầu mối từ 56 đơn vị trực thuộc của 5 viện hiện nay xuống còn 11 đơn vị, nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả phối hợp. Báo cáo cũng cho thấy nhiều góp ý của các cục, vụ chuyên môn đã được tiếp thu nghiêm túc, như đề xuất nhóm lại nội dung chức năng nhiệm vụ, rà soát cách thức tổ chức bộ máy, đồng thời làm rõ các vấn đề liên quan đến sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như quy trình phối hợp đầu tư.

Về tên gọi, nhiều ý kiến cho rằng việc lấy tên Viện Khoa học Thủy sản Việt Nam sẽ đảm bảo phạm vi bao quát, phù hợp với định hướng phát triển đa ngành, tránh bó hẹp vào một nghề cá cụ thể. Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ đề nghị không thành lập mới các viện nghiên cứu vùng mà giữ lại mô hình phân viện để bảo tồn giá trị lịch sử, thương hiệu và lợi thế vùng miền.

Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất rằng công tác nghiên cứu khoa học cần được đẩy mạnh ở các lĩnh vực trọng điểm như phát triển giống, thức ăn dinh dưỡng, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến và quan trắc môi trường thủy sản. Vấn đề tổ chức nhân sự, bố trí lại nguồn lực, bảo đảm quyền lợi cán bộ viên chức cũng được bàn thảo thẳng thắn.

Đề án dự kiến xây dựng lộ trình chuyển đổi, phân công nhiệm vụ rõ ràng, đồng thời phát huy tối đa đội ngũ chuyên gia hiện có của các viện, đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phục vụ sản xuất thủy sản trong toàn quốc.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định việc hợp nhất các viện thủy sản để thành lập Viện Khoa học Thủy sản Việt Nam là chủ trương lớn nhằm tái cấu trúc tổ chức, tinh gọn bộ máy, phát huy tối đa tiềm năng ngành thủy sản vốn có quy mô lớn và nhiều lợi thế, cùng nhiều cơ sở nghiên cứu trải dài từ Lào Cai đến Cà Mau.

Thứ trưởng nhấn mạnh, ngành thủy sản Việt Nam hiện đã đạt sản lượng cá tra, tôm ổn định ở mức trên 1 triệu tấn mỗi năm, nhưng vẫn còn dư địa phát triển lớn, nhất là ở các lĩnh vực như cá rô phi Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 260 nghìn tấn chỉ trong 4-5 tháng đầu năm. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu các viện cần tập trung nghiên cứu, chủ động nâng cao năng lực tự chủ về giống, công nghệ chế biến, quan trắc môi trường và ứng dụng công nghệ sinh học, lấy kinh nghiệm các nước tiên tiến như Na Uy làm bài học đổi mới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các viện tăng cường nghiên cứu, phát huy lợi thế, nâng cao năng lực tự chủ giống và chế biến. Ảnh: Nhandan.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các viện tăng cường nghiên cứu, phát huy lợi thế, nâng cao năng lực tự chủ giống và chế biến. Ảnh: Nhandan.

Thứ trưởng cũng lưu ý không thành lập Trung tâm quốc gia quan trắc, mà giao các viện chủ động thực hiện; đồng thời đề xuất tích hợp Trung tâm quốc gia công nghệ sinh học vào hệ thống mới để vừa phát huy truyền thống vừa mở rộng năng lực ứng dụng công nghệ hiện đại. Việc sắp xếp lại tổ chức phải đảm bảo sự ổn định, giữ gìn các giá trị truyền thống của các viện nghiên cứu vùng miền, nhưng vẫn phải hướng tới mô hình quản lý hiện đại, nâng cao chất lượng nghiên cứu và chuyển giao, góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền, bảo đảm đúng quy trình pháp luật. Ông khẳng định, Viện Khoa học Thủy sản Việt Nam sau khi thành lập sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu lớn, là đầu mối phát triển, đổi mới sáng tạo cho ngành thủy sản nước nhà trong giai đoạn mới.

 

 

Hồng Ngọc

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức cán bộ trong giai đoạn mới

Phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức cán bộ trong giai đoạn mới

Đại hội Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ nhiệm kỳ 2025-2027 khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo, đổi mới tư duy, dẫn đầu trong cải cách hành chính, tổ chức bộ máy.
Đổi mới quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Đổi mới quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Chiều 2/7, Đảng bộ Cục Quản lý đất đai đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030.

Ra mắt 3 nền tảng số phục vụ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW

Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa ra mắt 3 nền tảng số phục vụ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW.