Nhiều kinh nghiệm, giải pháp xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn, nâng cao hiệu quả quản lý dịch bệnh đã được chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp.
Sinh kế quan trạng của hàng triệu hộ gia đình
Ngày 6/5, tại thành phố Lạng Sơn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Lạng Sơn tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu”. Tham dự diễn đàn có hơn 100 đại biểu đại diện trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Lạng Sơn và Bắc Giang.

Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Nghĩa.
Theo ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các giải pháp nhằm xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn, nâng cao hiệu quả quản lý dịch bệnh.
Từ đó tạo ra hệ thống chăn nuôi không chỉ đảm bảo an toàn trong nước mà còn đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, những năm qua, ngành chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm của đất nước. Hiện nay, ngành chăn nuôi là sinh kế quan trọng của hơn 10 triệu hộ gia đình nông thôn. Năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,26 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sang các nước hiện chưa được như mong muốn bởi với tổng đàn vật nuôi của cả nước lớn (đàn gia cầm hơn 520 triệu con, đàn lợn hơn 28 triệu con...) cơ bản vẫn nuôi theo hình thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, chưa bảo đảm an toàn dịch bệnh…

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp về "Giải pháp xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu”. Ảnh: Hoàng Nghĩa.
An toàn dịch bệnh - điều kiện bắt buộc để tham gia xuất khẩu
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường nhập khẩu, yếu tố an toàn dịch bệnh (ATDB) tại cơ sở và vùng chăn nuôi là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để tham gia thị trường quốc tế. Việc xây dựng và duy trì cơ sở, vùng chăn nuôi ATDB không chỉ giúp kiểm soát rủi ro dịch bệnh, giảm thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo niềm tin với các đối tác quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB phục vụ xuất khẩu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề xuất các giải pháp như: Rà soát, đơn giản hóa thủ tục công nhận ATDB; bổ sung chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi cho cơ sở đăng ký xây dựng vùng ATDB; ban hành hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, dễ tiếp cận cho từng loại hình chăn nuôi.
Bên cạnh đó, phân cấp, ủy quyền hợp lý cho địa phương chủ động xây dựng và quản lý vùng chăn nuôi ATDB; tích hợp dữ liệu truy xuất, tiêm phòng, giám sát dịch bệnh vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Ngoài ra, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi gắn với bao tiêu sản phẩm; đào tạo kỹ thuật chăn nuôi ATDB, phòng chống dịch bệnh cho người chăn nuôi và cán bộ thú y…

Đại diện các hộ dân chăn nuôi kiến nghị một số vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách trong chăn nuôi ATDB. Ảnh: Hoàng Nghĩa.
Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến nay, cả nước có 3.768 cơ sở, vùng được cấp giấy chứng nhận ATDB tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 1 vùng ATDB cấp tỉnh, 70 vùng ATDB cấp huyện, 218 vùng ATDB cấp xã và 3.479 cơ sở ATDB. Nhiều địa phương bước đầu xây dựng được các vùng chăn nuôi ATDB theo hướng dẫn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) và tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tham luận của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nam cho biết, để xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, cần phải xác định vùng, cơ sở ATDB động vật, tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch; xác định rõ các vùng cần xây dựng để đạt ATDB theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y Thế giới.
Đặc biệt, kiểm soát nghiêm ngặt các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào vùng ATDB; có kế hoạch dự phòng để ứng phó trong trường hợp phát hiện mầm bệnh, động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Triển khai tốt việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đàm phán, thống nhất thỏa thuận thú y với các nước để thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật…
Tại Bắc Giang, ngoài duy trì các cơ sở ATDB đã xây dựng, khuyến khích các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB, tỉnh này còn ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phát triển mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ATDB gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, xây dựng chương trình truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi; xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường…

Đại diện Hiệp hội trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ một số kinh nghiệm chăn nuôi ATDB để hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Nghĩa.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, các hộ dân chăn nuôi đơn lẻ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro cao. Do đó, cần phát triển, xây dựng, nhân rộng các mô hình chăn nuôi hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và hộ dân trong chăn nuôi để bảo đảm thực hiện chặt chẽ quy trình trong chăn nuôi, đáp ứng các yêu cầu về ATDB. Khi thực hiện tốt chuỗi liên kết chăn nuôi, các hộ chăn nuôi có thể tham gia xuất khẩu.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Minh Lịnh cho biết, Trung tâm sẽ tổng hợp kết quả của diễn đàn để phổ biến trong hệ thống khuyến nông Việt Nam. Đồng thời tiếp tục xây dựng mô hình, tổ chức tập huấn, tư vấn kỹ thuật gắn với yêu cầu về ATDB. Đẩy mạnh kết nối nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý để thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị.