Thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật quy hoạch, luật đầu tư, luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và luật đấu thầu, Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2025 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sự cần thiết lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Sau 04 năm thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 39/2021/QH15, cho thấy:
Thứ nhất, tại thời điểm Quốc hội thông qua Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 (sau đây gọi là Quy hoạch sử dụng đất quốc gia) thì Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh mới đang tổ chức lập, chưa được phê duyệt. Do đó, các bộ, ngành và địa phương chưa xác định đầy đủ nhu cầu sử dụng đất để đăng ký trong Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Sau khi các quy hoạch này được phê duyệt, đã làm phát sinh tăng hoặc giảm nhu cầu sử dụng đất.
Thứ hai, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid 19, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách về tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trong đó có nhiều dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, làm tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.
Thứ ba, quy hoạch tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt, trên thực tế tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt và được Thủ tướng Chính phủ phân bổ chi tiết tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 và được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2024. Tuy nhiên, nhiều địa phương đề xuất nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 có sự tăng, giảm khá lớn so với chỉ tiêu đã được phân bổ, cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đối với một số loại đất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống quy hoạch có sử dụng đất.
Thứ tư, các chỉ tiêu sử dụng đất theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã không còn phù hợp với Luật Đất đai năm 2024. Nhiều chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trước đây đã không còn đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển, gây khó khăn trong việc triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án có khả năng thu hút đầu tư. Mặt khác, năm 2025 cũng đến kỳ điều chỉnh các Quy hoạch tỉnh, do vậy cần sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, làm cơ sở để các địa phương tiến hành lập điều chỉnh Quy hoạch tỉnh.
Từ tình hình thực tế và căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, việc Chính phủ trình Quốc hội Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững trong thời kỳ đất nước bước vào Kỷ nguyên phát triển mới.
Dự báo bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế năm 2025 và các năm tiếp theo có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen có thể tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta.
Thuận lợi, thời cơ: tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên phát triển vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng và toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế; sự kế thừa, phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của những năm qua; niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế nước ta; cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, nhất là những ngành, nghề mới nổi nhờ vào vị thế của nước ta đã được xác lập trên bản đồ công nghiệp bán dẫn, khởi nghiệp sáng tạo… toàn cầu. Đây là cơ hội thuận lợi để giải phóng nguồn lực đất đai thông qua việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất.
Khó khăn, thách thức: tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, rủi ro gia tăng; xu hướng phân tách, phân cực ngày càng rõ nét; sức ép cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu và trong nước; các nước lớn gia tăng hàng rào thương mại, thuế quan; các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số… tác động, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.
Từ những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức nêu trên có tác động không nhỏ đến công tác quản lý, sử dụng đất đai, đòi hỏi việc lập quy hoạch sử dụng đất phải tổng hợp, phân tích, đánh giá đầy đủ, nhằm phát huy những yếu tố thuận lợi, chủ động trước các thách thức trong phân bổ hợp lý nguồn lực đất đai để đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới.
Ảnh minh họa . Nguồn: Chinhphu.vnĐảm bảo nhu cầu sử dụng đất để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2026 - 2030 và tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt 2 con số
Việc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo các mục tiêu sau:
Đảm bảo nhu cầu sử dụng đất để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2026 - 2030, trong đó năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt 2 con số;
Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, trong đó ưu tiên cho việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị, duy trì hợp lý diện tích đất trồng lúa, diện tích đất các loại rừng theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng, hệ sinh thái tự nhiên, phòng chống thiên tai;
Tiếp tục thực hiện khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Quan điểm
Dự thảo bám sát các quan điểm sau: Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, nhất là giai đoạn 2026-2030; là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; bảo đảm tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển, trọng điểm và quốc tế; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn; giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.
Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo sự phát triển toàn diện, đồng bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng; bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh; giải quyết tốt nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực, đồng thời quan tâm đến các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm phân bố dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; định hướng cho không gian phát triển, khai hoang, lấn biển.
Nguyên tắc
Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất dựa trên nguyên tắc thị trường để phân bổ nguồn lực đất đai chủ động linh hoạt nhằm khơi thông nguồn lực đất đai đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội.
Việc Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia kế thừa các nguyên tắc đã được xác định trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021, trong đó tập trung vào một số nguyên tắc sau:
Thực hiện theo đúng các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn trong quản lý, sử dụng đất đai của Đảng và Nhà nước nêu trong các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, pháp luật của Nhà nước trong việc đề xuất, xác định xu thế biến động đất đai để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, đảm bảo tính thống nhất, tính kế thừa, sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch quốc gia, ngành quốc gia, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhanh bền vững, bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai của từng vùng, từng địa phương. Đảm bảo việc xử lý chuyển tiếp trong thực hiện và điều chỉnh quy hoạch, tránh tạo ra khoảng trống gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Bảo đảm nhu cầu sử dụng đất hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài cho các địa phương, các ngành, lĩnh vực; phân bổ sử dụng đất phải phù hợp, linh hoạt trong từng thời kỳ, gắn với thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững, đảm bảo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh, gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn, chuyển đổi nông thôn mới sang đô thị; gắn kết phát triển hạ tầng với quy hoạch dân cư, giữa công nghiệp hóa với đô thị hóa trên bình diện quốc gia và từng khu vực, địa phương.
Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, độ che phủ rừng; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Bảo đảm thống nhất quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch; ứng dụng khoa học, chuyển đổi số, phát huy sự đóng góp của các thành viên trong hệ thống chính trị trong lập, thực hiện quy hoạch.
Đến năm 2050, tài nguyên đất được bố trí, phân bổ sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên đất được bố trí, phân bổ sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá được xác định trong quy hoạch tổng thể quốc gia; tập trung đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh... hoàn thành mục tiêu quốc gia về công nghiệp hoá, hiện đại hoá và trở thành một nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảm bảo cân đối được quỹ đất phục vụ cho nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; đảm bảo cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.
Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch các vùng kinh tế - xã hội, tiềm năng của các vùng sinh thái, nhất là lợi thế của hành lang kinh tế ven biển, đến năm 2050 không gian sử dụng đất theo vùng lãnh thổ được bố trí như sau:
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: căn cứ hiện trạng, tiềm năng đất đai bố trí hài hòa hợp lý quỹ đất cho công tác phát triển, bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên; đồng thời đáp ứng nhu cầu tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu nông, lâm sản (giấy, gỗ, chè, hoa quả, thực phẩm...), khoáng sản; phát triển công nghiệp luyện kim, hóa chất, phân bón chủ yếu từ khai khoáng; tiếp tục thúc đẩy phát triển nhanh công nghiệp cơ khí, điện tử, sản xuất lắp ráp thiết bị máy móc, sản xuất hàng điện tử - viễn thông xuất khẩu. Phát triển các cụm liên kết, trung tâm sản xuất thiết bị điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao với trung tâm tại khu vực Thái Nguyên - Bắc Giang và các tỉnh lân cận đóng vai trò vệ tinh.
Vùng Đồng bằng sông Hồng: nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí chế tạo máy, sản xuất ô tô, công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử cho công nghiệp và dân dụng, công nghiệp công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm số, phần mềm, công nghiệp dược phẩm ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp dệt may, chế biến sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu tập trung vào phân khúc giá trị gia tăng cao và chủ yếu mở rộng phát triển ở khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: trên cơ sở lợi thế về vị trí để bố trí quỹ đất để tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế với các khu tổ hợp, nhà máy quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại (các ngành lọc dầu và chế biến sản phẩm từ dầu khí, luyện cán thép, cơ khí chế tạo, đóng tàu, sản xuất ô tô, chế biến hải sản…) gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp ở khu vực ven biển các tỉnh, thành phố. Phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, sản xuất lắp ráp hàng điện tử xuất khẩu; công nghiệp hóa chất, dược phẩm, công nghiệp sinh học. Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, hình thành trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo lớn của cả nước. Đồng thời cân đối quỹ đất để duy trì và phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, độ che phủ rừng.
Vùng Tây Nguyên: căn cứ đặc điểm về tiềm năng đất đai của Vùng để bố trí quỹ đất hợp lý cho việc tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản xuất khẩu (cà phê, điều, mía đường, củ quả thực phẩm, cao su...) gắn với xây dựng nâng cao thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản ứng dụng công nghệ tiên tiến, trọng tâm là công nghiệp khai thác bô-xit, chế biến alumin và luyện nhôm ở Đắk Nông Lâm Đồng. Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời).
Vùng Đông Nam Bộ: Tập trung chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phục vụ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như: Điện tử - viễn thông; công nghiệp sản xuất rô-bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp hóa phẩm, dược phẩm, chế phẩm sinh học, sản xuất thuốc, vắc xin, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp môi trường và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Phát triển mạnh một số ngành công nghiệp: Cơ khí chế tạo, lọc hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, hóa chất tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh và hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Ưu tiên bố trí quỹ đất cho mục đích nông nghiệp để tập trung phát triển chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu; công nghiệp cơ khí nông nghiệp, công nghiệp đóng, sửa chữa phương tiện vận tải đường thủy và ven biển; công nghiệp sản xuất phân bón, hóa chất phục vụ nông nghiệp gắn với chế biến khí. Mở rộng phát triển mạnh công nghiệp dệt may, da giày xuất khẩu. Thúc đẩy phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất, lắp ráp hàng điện tử tiêu dùng xuất khẩu tại các khu công nghiệp gắn với cảng biển. Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, hình thành vành đai công nghiệp năng lượng tái tạo lớn của cả nước liên kết các tỉnh ven biển trong vùng.
Hiện dự thảo hồ sơ hồ sơ Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Để hoàn thiện dự thảo, ngày 19/3/ 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có Công văn số 247/BNNMT-QLĐĐ đề nghị Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Bộ, cơ quan ngang bộ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương góp ý kiến đối với dự thảo Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ý kiến góp ý bằng văn bản của Quý Cơ quan đề nghị gửi về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đất đai) theo địa chỉ số 10, phố Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội trước ngày 04 tháng 4 năm 2025 để tổng hợp trình báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội theo quy định.
Chi tiết nội dung dự thảo xem tại đây.