Tại cuộc họp sáng 24/4, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định: chính sách mới cần khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, phân tán, bảo đảm hiệu lực – hiệu quả, lấy người chăn nuôi làm trung tâm và phòng dịch là ưu tiên hàng đầu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một chính sách nhất quán, đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo, đảm bảo hiệu quả thực tiễn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: VGP.
Đổi mới tư duy chính sách, tích hợp đồng bộ các quy định hiện hành
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, chính sách phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi hiện đang bị chia cắt, dẫn đến khó triển khai đồng bộ. Dự thảo Nghị định lần này là cơ hội để tích hợp các chính sách liên quan, làm rõ các cơ chế hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn từng vùng chăn nuôi.
Theo Bộ trưởng, chính sách cần đổi mới toàn diện từ tư duy “chống dịch” sang “chủ động phòng dịch”; đồng thời xác lập rõ các bước quy trình khi có dịch xảy ra như khoanh vùng, tiêu huỷ, hỗ trợ tái đàn và khôi phục sản xuất. “Cần thiết kế cơ chế rõ ràng, minh bạch: phòng như thế nào, chống ra sao, ai chịu trách nhiệm, ai được hưởng chính sách”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chính sách phải nhất quán và phản ứng nhanh như phòng chống thiên tai
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng tình với hướng tiếp cận của Bộ, đồng thời yêu cầu xây dựng chính sách theo tinh thần “phòng dịch như phòng chống thiên tai” – chủ động, thường xuyên, phân cấp rõ, có cơ chế phản ứng nhanh.
Ông đặc biệt lưu ý: Nghị định phải phân định rõ cơ chế "phòng" và "chống", xác lập chính sách hỗ trợ dựa trên thực tiễn thiệt hại, năng lực ngân sách và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Cần bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, nhất là người trực tiếp tham gia chống dịch nhưng không hưởng lương ngân sách, với mức hỗ trợ tương xứng mức lao động phổ thông và rủi ro nghề nghiệp.
Hỗ trợ tăng gấp 1,5–2 lần, minh bạch và sát thực tế
Dự thảo Nghị định gồm 3 chương, 15 điều, tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ tiêu huỷ động vật, sản phẩm trong vùng dịch; Hỗ trợ người chăn nuôi chịu thiệt hại; Hỗ trợ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, mức hỗ trợ thiệt hại trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sẽ tăng từ 1,5–2 lần so với trước, dựa trên khảo sát chi phí thực tế, trượt giá và khả năng chi trả ngân sách. Chính sách sẽ kế thừa các quy định hiện hành nhưng loại bỏ những nội dung khó áp dụng trong thực tiễn.
Đối với các lực lượng không hưởng lương ngân sách, mức hỗ trợ sẽ được tính toán linh hoạt, tính đến tính chất công việc và nguy cơ lây nhiễm cao từ các bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm, dại, nhiệt thán….
Rõ trách nhiệm, đúng người, đúng việc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát lại toàn diện dự thảo, bảo đảm chính sách không chồng chéo, tên gọi và phạm vi phù hợp với mục tiêu cốt lõi là phòng chống dịch hiệu quả và hỗ trợ khắc phục thiệt hại chính xác.
Cụ thể, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn phải có lực lượng chống dịch chuyên trách, được đào tạo bài bản. Trong khi đó, tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ quan thú y và y tế dự phòng ở địa phương sẽ giữ vai trò tham mưu và điều phối lực lượng ứng phó dịch bệnh. “Cần có quy trình hành động rõ ràng để mọi cơ sở có thể ứng phó khẩn cấp khi dịch xảy ra”, ông nói.
Nghiên cứu bảo hiểm chăn nuôi, tránh “có dịch là Nhà nước lo”
Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục hoàn thiện nội dung về bảo hiểm chăn nuôi, khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại lớn tham gia, từng bước chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang cơ chế thị trường – giảm gánh nặng ngân sách, tăng tính chủ động của người sản xuất...