Sign In

(HỆ THỐNG THỬ NGHIỆM)

Chuyên gia đề xuất giải pháp tối ưu để quản lý bền vững tài nguyên nước

09:03 22/03/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Nhân Ngày Nước thế giới (22/3), Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến chia sẻ về các giải pháp để quản lý bền vững tài nguyên nước.

Ngày Nước thế giới 22/3/2025 được Liên hợp quốc (UN) phát động ̣với chủ đề "Glacier preservation" - "Bảo tồn các dòng sông băng" nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò quan trọng của sông băng, tuyết và băng trong hệ thống khí hậu và chu trình thủy văn của trái đất.

Tại Việt Nam, chủ đề tuyên truyền Ngày Nước thế giới năm 2025 đã được cụ thể hóa thành “Bảo tồn và phục hồi các dòng sông”, hướng tới thích ứng với tình trạng nguồn nước suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ tài nguyên nước trong nước mà còn giúp Việt Nam hợp tác với các quốc gia trong khu vực để quản lý nguồn nước một cách cân bằng, thống nhất, đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. 

Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước. Ảnh: Nguyễn Thuỷ

Khôi phục các dòng sông ô nhiễm: Nhiệm vụ cấp bách 

Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nước trên các lưu vực sông là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và đã được cụ thể hóa trong Luật Tài nguyên nước 2023.

Trong đó, Luật Tài nguyên nước 2023 quy định việc thành lập các tổ chức lưu vực sông và nhiệm vụ các tổ chức lưu vực sông, trong đó các tổ chức lưu vực sông có trách nhiệm điều phối, giám sát các hoạt động bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra…Đặc biệt ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông. Như vậy, có thể nói các chính sách về giải quyết ô nhiễm, phục hồi các dòng sông đã tương đối hoàn thiện và đầy đủ.

Ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết thêm, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang đánh giá sức chịu tải của nguồn nước cho các sông liên tỉnh trên 13 lưu vực sông lớn. Một số địa phương đã thực hiện đánh giá sức chịu tải của nguồn nước cho các sông nội tỉnh.

Đoàn Việt Nam tham gia Phiên họp Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 31. Ảnh: Thu Hương.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang triển khai các nhiệm vụ chuyên môn phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, trong đó Đề án “Điều tra, đánh giá và đề xuất phương án thí điểm phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm các sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ - Đáy, Ngũ Huyện Khê” dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2026. 

Cụ thể, Đề án sẽ tập trung nghiên cứu đồng bộ, toàn diện các giải pháp phi công trình và công trình như: Rà soát, đánh giá toàn diện nguyên nhân, tồn tại, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng, quy trình vận hành các công trình và hệ thống công trình; đề xuất giải pháp thu gom, xử lý nước thải trong khu vực nhằm kiểm soát hoạt động xả nước thải vào nguồn nước để cải thiện môi trường nước mặt; đề xuất các giải pháp điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp công trình, hệ thống công trình hiện có và thay đổi quy trình vận hành công trình, hệ thống công trình; đề xuất bổ sung mới các công trình khai thác, điều tiết nước trên các hệ thống sông.

“Khi tổ chức lưu vực sông được thành lập thì việc triển khai các giải pháp giải quyết ô nhiễm nước trên lưu vực sông sẽ được điều phối, giám sát một cách thống nhất, đồng bộ trên toàn lưu vực”, ông Nguyễn Minh Khuyến nhấn mạnh. 

Hợp tác quốc tế: Chìa khóa để bảo vệ các dòng sông     

Ngày Nước thế giới 2025 không chỉ là dịp để kêu gọi bảo vệ tài nguyên nước, mà còn là cơ hội để thể hiện sự đoàn kết quốc tế. Việt Nam không thể giải quyết vấn đề suy thoái nguồn nước một mình. Câu chuyện hợp tác quốc tế đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ các dòng sông xuyên biên giới. Thông qua Hiệp định Mekong1995 và Công ước Helsinki 1992, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên nước.

Ông Nguyễn Minh Khuyến nhấn mạnh: “Chúng tôi đã và đang làm rất tốt trong việc hợp tác với các nước trong khu vực sông Mekong. Đồng thời, việc tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ nguồn nước xuyên biên giới cũng tạo nền tảng cho Việt Nam trong việc chia sẻ nguồn nước một cách công bằng và hợp lý.”

Ngoài ra, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, đóng góp vào các hội nghị, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên nước, đồng thời tìm kiếm các đối tác phát triển để hỗ trợ Việt Nam trong việc quản lý và khai thác tài nguyên nước bền vững.

Quản lý tài nguyên nước bền vững từ quy hoạch lưu vực sông

Quy hoạch tài nguyên nước để phát triển bền vững

Để tài nguyên nước được quản lý một cách tổng thể và bền vững, Việt Nam đã bắt đầu triển khai quy hoạch tài nguyên nước theo các lưu vực sông lớn. Việc ban hành các kịch bản nguồn nước cho từng lưu vực sông sẽ giúp điều phối và quản lý hiệu quả tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết, Cục quản lý tài nguyên nước đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức thực hiện nhiều hoạt động, trong đó có công bố Kịch bản nguồn nước, trình Chính phủ phê duyệt 10 quy hoạch về tài nguyên nước gồm: 1 quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; 8 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh và 1 quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Dự kiến trong năm 2025 này, 5 quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh còn lại sẽ được chúng tôi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cùng với đó, Cục quản lý tài nguyên nước cũng đã quyết tâm hoàn thành việc xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố 8 kịch bản nguồn nước (lần đầu) để chủ động trong việc điều hoà, sử dụng nước trên các lưu vực sông như: Sông Hồng - Thái Bình, Cửu Long, Bằng Giang Kỳ Cùng, sông Mã, sông Hương, Sê San, Srepok, Đồng Nai. 

Các kịch bản sẽ phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, từ đó góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân; làm căn cứ để các bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, quản lý tài nguyên nước bền vững không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp bách. Đặc biệt, việc triển khai quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông đang đặt ra những đòi hỏi mới về công cụ quản lý, phương pháp tiếp cận và nguồn lực thực hiện. Sự kết hợp giữa chính sách đúng đắn, công nghệ hiện đại và sự đồng thuận của cộng đồng sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam bảo vệ và khai thác tài nguyên nước hiệu quả, bền vững, vì một tương lai thịnh vượng và an toàn.

Để giải quyết bài toán này, chuyển đổi số được xem là chìa khóa quan trọng. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ quản lý hiệu quả mà còn là nền tảng cho việc ra quyết định nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm chi phí nhân lực.

Ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết, hiện nay, Cục Quản lý tài nguyên nước đang nghiên cứu thí điểm việc quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua việc thí điểm xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và hệ thống hỗ trợ ra quyết định trên các lưu vực sông để cơ quan quản lý nhà nước sử dụng, thuê dịch vụ nhằm điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông và giảm thiểu chi phí, nhân lực của nhà nước.

Cục cũng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực bảo đảm an toàn công trình hạ du, tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả nguồn nước cho các mục đích sử dụng.

“Quản lý tài nguyên nước bền vững theo quy hoạch lưu vực sông không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là chiến lược dài hạn, đảm bảo an ninh nước quốc gia, bảo vệ hệ sinh thái và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với sự quyết tâm từ Chính phủ, sự đồng lòng của người dân và ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ, trong tương lai, tài nguyên nước Việt Nam chắc chắn sẽ được quản lý một cách hiệu quả và bền vững”, ông Nguyễn Minh Khuyến khẳng định.

Việt Khang

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Bình Dương: Bảo vệ tài nguyên nước ngầm trước nguy cơ suy giảm

Bình Dương: Bảo vệ tài nguyên nước ngầm trước nguy cơ suy giảm

Trước thực trạng khai thác nước ngầm quá mức cùng nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng, Bình Dương đang từng bước thay đổi cách tiếp cận từ khai thác sang bảo vệ.
Gia Lai: Triển khai thực hiện Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước

Gia Lai: Triển khai thực hiện Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước

Thực hiện Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông, UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 987/KH-UBND với loạt mục tiêu cụ thể và giải pháp đồng bộ đến năm 2025.
Quảng Bình kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông

Quảng Bình kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Kế hoạch số 696/KH-UBND về việc thực hiện các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp chính quyền và nhân dân trong công tác quản lý môi trường nước.

Người đang online: 1

Lượt truy cập: 370,701

Chung nhan Tin Nhiem Mang