Sign In

Tiến độ đàm phán tuần thứ nhất tại Hội nghị SB62

09:15 24/06/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Trong tuần đàm phán đầu tiên, Hội nghị SB62 đã thảo luận nhiều vấn đề về ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó có những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Hội nghị lần thứ 62 các cơ quan bổ trợ thuộc Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (SB62) đang diễn ra tại Bonn, CHLB Đức. Trong các ngày từ 19-21/6, Hội nghị đã tổ chức các Cuộc họp nhóm liên hệ thuộc Ban bổ trợ Thực hiện (SBI) và Ban Bổ trợ Khoa học công nghệ (SBSTA).

Về Mục tiêu thích ứng toàn cầu (GGA)

GGA là một trong những nội dung ưu tiên tại SB62, đồng thời là lĩnh vực đàm phán trọng tâm của Chủ tịch Hội nghị lần thứ 30 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (UNFCCC) về biến đổi khí hậu (COP30). Ban tổ chức đã tổ chức hội thảo tham vấn về GGA trong khuôn khổ chương trình làm việc UAE–Belém, tập trung vào danh sách gồm 490 chỉ số.

Trong quá trình đàm phán, ngày càng nhiều quốc gia thống nhất về sự cần thiết phải tinh giản số lượng và cấu trúc chỉ số, đồng thời tích hợp các yếu tố xuyên suốt như: giới, nhóm dễ bị tổn thương, tri thức truyền thống và nhân quyền. Tuy nhiên, vẫn còn những bất đồng về cách tiếp cận các chỉ số Phương thức thực hiện (MoI), số lượng chỉ số, phạm vi và thời gian làm việc của nhóm chuyên gia. 

Các Bên đã thống nhất rằng cần điều chỉnh danh sách chỉ số trước khi Hội nghị COP30 diễn ra vào cuối năm nay. Hai vấn đề trọng tâm cần giải quyết là: Điều chỉnh chỉ số GGA và chuyển báo cáo kỹ thuật sang Ban Thư ký UNFCCC, các Bên tham gia Công ước khung để ra quyết định cuối cùng.

 Phiên họp đàm phán tại SB62

Về Chương trình làm việc chuyển đổi công bằng (JTWP)

Sau tuần làm việc đầu tiên, các điểm gây tranh cãi chính trong đàm phán JTWP bao gồm: Việc đưa các biện pháp đơn phương và tài chính vào nội dung JTWP, có hay không tích hợp kết quả GST; việc đề cập đến chuyển đổi công bằng trong NDC và các lộ trình phù hợp với mục tiêu 1,5°C, cùng sắp xếp thể chế để duy trì JTWP sau năm 2026.

Nhóm G77 và Trung Quốc, Nhóm các nước đang phát triển cùng chí hướng (LMDC) và Nhóm các nước kém phát triển nhất (LDC) đề xuất mạnh mẽ việc đưa các biện pháp đơn phương, có tham chiếu tài chính, các thỏa thuận thể chế cho JTWP vào nội dung đàm phán, đồng thời đảm bảo chương trình tiếp tục sau năm 2026. 

Ngược lại, EU, Anh, Canada và Úc đề xuất lồng ghép nội dung liên quan đến đánh giá nỗ lực toàn cầu, mục tiêu 1,5°C, chuyển đổi năng lượng và đưa chuyển đổi công bằng vào Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); đồng thời ủng hộ văn bản đã được Hội nghị các Bên tham gia Thỏa thuận Paris lần thứ 5 (CMA5) thông qua tại COP27, nhấn mạnh việc sửa đổi JTWP vào năm 2026.

Về Đối thoại UAE trong thực hiện Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST)

Chủ tịch COP30 – Brazil mong muốn hoàn thiện các phương thức tiến hành Đối thoại UAE, kết nối các nội dung của GST thông qua Chương trình Hành động, nhằm bảo đảm kết quả GST được phản ánh rõ ràng tại COP30.

Tuy nhiên, phần lớn các nước vẫn giữ lập trường về cách thức tiến hành Đối thoại và chia sẻ những quan điểm khác nhau về phạm vi và kết quả đầu ra của đối thoại. EU đề xuất tổ chức thêm các phiên họp cấp bộ trưởng, xây dựng báo cáo riêng cho từng phiên và một báo cáo tổng hợp cuối cùng cho toàn bộ nội dung thảo luận.

Ngoài ra, các nước đã thảo luận trong các phiên tham vấn không chính thức về thủ tục, hậu cần cho GST, cũng như xác định nguồn thông tin đầu vào cho chu kỳ tiếp theo. Một số quốc gia đề xuất điều phối nội dung với lịch trình Ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) để đảm bảo tính nhất quán và căn cứ khoa học vững chắc. Tuy nhiên, vấn đề nay chưa đạt được đồng thuận. Một số nước cũng đề xuất sử dụng Báo cáo minh bạch hai năm một lần (BTR) làm nguồn tài liệu tham khảo tin cậy cho đánh giá nỗ lực toàn cầu lần 2 vào năm 2028.

 Phiên họp thảo luận về Lộ trình tài chính Baku–Belém

Về giảm phát thải

Các cuộc thảo luận về Chương trình làm việc giảm phát thải (MWP) tiếp tục ghi nhận sự khác biệt sâu sắc giữa các Bên về mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng chương trình. Liên minh các quốc đảo đang phát triển (AOSIS), Zimbabwe, Vanuatu nhấn mạnh rằng các quốc gia dễ bị tổn thương chưa nhận được hỗ trợ cần thiết.

Ai Cập, Ấn Độ và một số nước khác nhấn mạnh việc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong thực hiện MWP. Nhóm LMDC tiếp tục chỉ trích các nước công nghiệp phát triển trong Phụ lục I Công ước khung không hoàn thành mục tiêu của mình, nhưng lại gây áp lực cho các nước đang phát triển. Trung Quốc và LMDC cảnh báo không biến MWP thành công cụ chính trị hay tạo gánh nặng quá mức.

Về triển khai Khung minh bạch tăng cường (ETF) của Thỏa thuận Paris

Đây là nội dung trọng tâm của SB62, với phiên họp đầu tiên kể từ thời hạn các Bên phải nộp BTR. Tính đến thời điểm trước hội nghị, đã có 102 quốc gia nộp BTR cho Ban Thư ký UNFCCC.

Ban tổ chức đã tổ chức các hội thảo và sự kiện để các nước trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt trong tiếp cận Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) nhằm thảo luận các khó khăn, chia sẻ thực tiễn tốt. Cũng trong khuôn khổ này, Đối thoại đa phương FMCP đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của Andorra, Guyana và Panama – ba quốc gia hoàn thành đầy đủ chu trình ETF (bao gồm nộp BTR, đánh giá kỹ thuật, đối thoại NDC).

Tại các phiên đàm phán, các nước tiếp tục thảo luận các nội dung như: hỗ trợ xây dựng báo cáo theo Công ước và Thỏa thuận Paris; xem xét Nhóm Chuyên gia tư vấn (CGE); các giai đoạn tiếp theo của giao diện dữ liệu khí nhà kính. Các nước đã trao đổi về cơ cấu, số lượng thành viên, nhiệm vụ và hoạt động của CGE. Về dữ liệu khí nhà kính, các Bên đang xem xét đề xuất cập nhật hệ thống thông tin bổ sung từ Thỏa thuận Paris và các BTR.

Về tài chính khí hậu

Thảo luận về Lộ trình tài chính Baku–Belém tiếp tục cho thấy khác biệt trong kỳ vọng của các Bên về mục tiêu định lượng tài chính khí hậu mới (NCQG). 

Nhóm G77 đề xuất nâng NCQG lên 1.300 tỷ USD/năm đến năm 2035, chia theo ba giai đoạn cụ thể: 50% cho thích ứng (ưu tiên châu Phi, Nhóm Quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS), Đông Nam Á); 20% cho chuyển đổi công bằng (đầu tư năng lượng sạch, tạo việc làm mới); 30% cho đổi mới công nghệ, tổn thất và thiệt hại, tăng cường năng lực thể chế.

Ngày 21/6, SB62 tổ chức các phiên họp để làm rõ hơn những nội dung trên như: Hỗ trợ pháp lý cho chuyển đổi công bằng và đa dạng hóa kinh tế; Huy động tài chính quản lý nước – khí hậu tại vùng khô hạn và đồng bằng dễ tổn thương. Nhiều phiên họp tiếp theo sẽ được tổ chức, tuy nhiên, các nước vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể về cách thức thực hiện cam kết tài chính này.

 Phiên họp kỷ niệm 10 năm ký Thoả thuận Paris.

Về Tổn thất và Thiệt hại (L&D)

Nội dung này ít được ưu tiên trong chương trình nghị sự tuần đầu tiên. Các nước đang phát triển bày tỏ quan ngại, đề nghị tiếp tục thúc đẩy đạt đồng thuận về báo cáo của Cơ chế quốc tế Warsaw, làm cơ sở huy động nguồn lực hỗ trợ xử lý tổn thất và thiệt hại.

Về khoảng cách tham vọng 1,5°C và NDC

Hiện mới có 24 quốc gia nộp NDC 3.0. Tại Bonn, các quốc gia đã thúc giục các Bên còn lại hoàn thành NDC mới, phù hợp với mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ. Thời hạn nộp trước Hội nghị thượng đỉnh NDC do Tổng Thư ký Liên hợp quốc chủ trì vào tháng 9/2025, nhằm phục vụ việc tổng hợp Báo cáo NDC toàn cầu.

Các vấn đề nông nghiệp

Trong tuần đầu tiên, đã diễn ra Hội thảo lần thứ nhất về “Các phương pháp tiếp cận hệ thống và toàn diện để hành động khí hậu trong nông nghiệp, hệ thống lương thực – thực phẩm và an ninh lương thực”. Các nội dung thảo luận nhấn mạnh: Cần thay đổi tư duy, coi nông dân là đồng sáng tạo và người thực thi giải pháp khí hậu; thúc đẩy hợp tác xã; mở rộng tiếp cận tài chính; xây dựng bộ chỉ số giám sát; đảm bảo môi trường chính sách ổn định.

SBSTA và SBI đã thảo luận Báo cáo tổng hợp thường niên đầu tiên về “Công việc chung Sharm El-Sheikh”. Tuy nhiên, báo cáo bị đánh giá là nghèo nàn, thiếu thông tin cụ thể, chưa phản ánh đầy đủ hành động khí hậu trong nông nghiệp. Báo cáo sẽ được cập nhật dựa trên thông tin các Bên cung cấp thông qua Cổng thông tin Sharm El-Sheikh, theo 6 nhóm câu hỏi hướng dẫn.

Nhóm nông nghiệp đang tiếp tục đàm phán để thống nhất dự thảo kết luận (dự kiến hoàn tất vào 24/6). Chủ đề nông nghiệp và an ninh lương thực sẽ tiếp tục được thảo luận tại SB63; và dự kiến tổ chức Hội thảo lần hai trong khuôn khổ SB64.

Một số sự kiện chính

Ban Tổ chức đã kỷ niệm 10 năm ký kết Thỏa thuận Paris, nhằm vinh danh những người đóng góp quan trọng tại COP21. Logo kỷ niệm cũng được công bố và khuyến khích sử dụng trong các sự kiện.

Các sự kiện chính sẽ diễn ra trong Tuần làm việc thứ hai: Tham vấn không chính thức của Chủ tịch COP30 về tầm nhìn và kỳ vọng COP 30 diễn ra ngày 23/6/2025; Sự kiện Troika – sáng kiến của 3 Chủ tịch COP 28, 29, 30 về nâng cao tham vọng NDC; Tham vấn các bên liên quan và sự kiện đặc biệt về việc vận hành đầy đủ mạng lưới Santiago để giải quyết tổn thất và thiệt hại. 

Chu Hương đưa tin từ Bonn, CHLB Đức

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Thúc đẩy hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu bên lề Hội nghị SB62

Trong khuôn khổ các Hội nghị: Ban bổ trợ khoa học Công nghệ lần thứ 62 (SBSTA62), Ban Bổ trợ thực hiện lần thứ 62 (SBI62) được tổ chức tại Bonn Cộng hoà Liên bang Đức từ ngày 16-26/6/2025, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị SB62 làm việc với một số đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Việt Nam tích cực triển khai các giải pháp làm mát bền vững

Ngày 24/6 tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp tham vấn trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về làm mát tại Việt Nam”.
Thảo luận nội dung cho COP30 về biến đổi khí hậu

Thảo luận nội dung cho COP30 về biến đổi khí hậu

Hội nghị lần thứ 62 của các cơ quan bổ trợ thuộc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (SB62) khai mạc hôm 16/6 tại Bonn (CHLB Đức). Đến nay, một số nội dung trọng tâm nhằm chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 30 các Bên tham gia Công ước (COP 30) - diễn ra vào cuối năm nay tại Brazil - đã được thảo luận kỹ càng.