Sign In

Bộ NN-MT yêu cầu địa phương khẩn trương gia cố tuyến đê trực diện biển

20:59 20/07/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Bộ NN-MT yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành gia cố đê điều, nhất là các tuyến đê trực diện biển khu vực bão số 3 (bão Wipha) đổ bộ.

Ngày 20/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có Văn bản số 4596/BNNMT-ĐĐ đề nghị 13 tỉnh, thành phố gồm Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3 và mưa lũ.

Công điện nêu rõ, dự báo bão Wipha sẽ đổ bộ trong khi mực nước triều khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đang ở thời kỳ triều cao, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn các tuyến đê biển, đê cửa sông.

Bão cũng sẽ gây mưa lớn diện rộng, khả năng xảy ra lũ trên hệ thống sông, trong khi mực nước các hồ chứa lớn cơ bản xấp xỉ mực nước cao nhất trước lũ, mực nước hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang ở mức cao. Điều này nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê thuộc địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Tuyến đê biển ở đặc khu Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Báo Hải Phòng Plus.

Tuyến đê biển ở đặc khu Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Báo Hải Phòng Plus.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 4594/CĐ-BNNMT ngày 19/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc ứng phó với bão số 3 và mưa lớn.

Các địa phương kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục, các công trình đê điều đang thi công dở dang để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các tuyến đê trực diện biển khu vực bão đổ bộ. Trong đó, phải khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ).

Các đơn vị chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê biển, đê sông, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố, tình huống có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.

Bên cạnh đó, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để hộ đê; kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị và chủ động ứng phó với các sự cố, tình huống có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Công điện cũng yêu cầu thông báo đến chủ các phương tiện, công trình, người dân và triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người, tài sản, công trình hạ tầng... đối với các hoạt động ở khu vực ven biển và trên bãi sông. Sẵn sàng sơ tán những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, ngoài bãi sông nơi không có đê bảo vệ…

Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) để phối hợp chỉ đạo.

Trung Nguyên

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)
Ninh Bình: Lập tổ công tác ứng trực 24/7, sẵn sàng phương án sơ tán dân

Ninh Bình: Lập tổ công tác ứng trực 24/7, sẵn sàng phương án sơ tán dân

Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng yêu cầu các xã, phường khẩn trương rà soát hệ thống đê điều, cắt tỉa cây xanh, khơi thông hệ thống thoát nước, xử lý ngay những điểm có nguy cơ sạt lở.

Ứng phó bão số 3: Khẩn trương nhất, quyết liệt nhất đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương ứng phó với cơn bão số 3 với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

Chủ động từng giờ, quyết liệt từ cơ sở để ứng phó cơn bão số 3

Bão số 3 diễn biến nhanh, phức tạp, Chính phủ yêu cầu các địa phương kích hoạt ứng phó sớm, không để bị động, chủ quan, đặc biệt tại khu vực xung yếu cấp xã.