Ngày 8/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đã dẫn đầu đoàn công tác đến tỉnh Yên Bái để kiểm tra tiến độ thi công một số tuyến kè chống sạt lở sông Hồng và trao tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra công tác khắc phục thiên tai và chỉ đạo xây dựng các công trình phòng chống thiên tai tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.
Tham gia đoàn công tác có Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận; bà Ramla Khadili – Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), cùng đại diện chính quyền địa phương.
Hỗ trợ thiết thực, động viên kịp thời người dân vùng thiên tai
Tại xã Tân Hương (huyện Yên Bình), Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng các tổ chức quốc tế đã trao tiền hỗ trợ cho 67 hộ dân bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão Yagi. Tổng số tiền hỗ trợ hơn 200 triệu đồng, với mức hỗ trợ dao động từ 2,1 đến 3,5 triệu đồng/hộ, căn cứ vào quy mô nhân khẩu và mức độ thiệt hại.
Nguồn viện trợ ưu tiên các hộ nghèo, người già, gia đình có trẻ em đang đi học, hoặc những hộ mất nhà cửa, đất sản xuất sau bão.
Tiếp đó, đoàn đã đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình bà Bùi Thị Tập ở phường Yên Ninh (TP. Yên Bái) – một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi căn nhà bị sập hoàn toàn do sạt lở đất. Gia đình bà Tập, gồm hai vợ chồng già yếu, không còn khả năng lao động, đã nhận được sự hỗ trợ tái thiết nhà từ UNDP.

Thứ trưởng trao tiền hỗ trợ cho người dân huyện Yên Bình. Ảnh: Thanh Tiến.
Trong cơn bão Yagi năm 2024, tỉnh Yên Bái là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nhất: 54 người thiệt mạng, 42 người bị thương; hơn 27.300 căn nhà bị hư hỏng; thiệt hại trên 7.000 ha nông, lâm nghiệp và hơn 1.000 ha nuôi trồng thủy sản; 336.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi hoặc chết.
Cơ sở hạ tầng cũng bị tàn phá nghiêm trọng: hơn 1.100 trạm biến áp, 400 công trình thủy lợi, 56 công trình giáo dục - y tế, hàng trăm trạm BTS và tuyến giao thông, đê, kè bị hư hại. Tổng thiệt hại ước tính vượt 5.700 tỷ đồng.
Từ sau thiên tai, tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận 31 khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp với tổng giá trị trên 170 tỷ đồng để cứu trợ và khắc phục hậu quả. Đáng chú ý, qua Bộ NN&MT, ADB đã triển khai gói viện trợ khẩn cấp hơn 16 tỷ đồng cho hơn 5.200 hộ dân tại 6 địa phương trong tỉnh, bao gồm: Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên và TP. Yên Bái.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao hỗ trợ cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.
Phát biểu tại buổi trao hỗ trợ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ:
“Trở lại Yên Bái, tôi cảm thấy như cơn bão chưa từng đi qua – cuộc sống đã dần trở lại bình thường. Điều này cho thấy công tác khắc phục hậu quả được triển khai rất quyết liệt và hiệu quả.”
Ông nhấn mạnh cam kết của Bộ trong việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ người dân không chỉ trong giai đoạn khẩn cấp mà còn trong quá trình phục hồi sinh kế bền vững.

Tỉnh Yên Bái đã nhận được nhiều nguồn hỗ trợ từ Trung ương và các tổ chức quốc tế. Ảnh: Thanh Tiến.
Thứ trưởng cũng động viên người dân sử dụng nguồn hỗ trợ một cách thông minh, như mua dụng cụ trữ nước sạch, nông cụ, sửa chữa nhà cửa… đồng thời khuyến khích bà con tiếp tục nỗ lực lao động, ổn định cuộc sống trước mùa mưa bão sắp tới.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các tuyến kè sông Hồng
Trong chương trình làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng Cục Quản lý đê điều và PCTT đã kiểm tra thực địa dự án kè chống sạt lở bờ sông Hồng tại thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên) và phường Hợp Minh (TP. Yên Bái).
Dự án có tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, với chiều dài gần 5.250m, gồm: Tuyến kè Cổ Phúc dài 3.950m; Tuyến kè Hợp Minh dài gần 1.300m.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo tỉnh Yên Bái và các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng kè sông. Ảnh: Thanh Tiến.
Các hạng mục chính bao gồm: đỉnh kè, mái kè, chân kè và các công trình phụ trợ. Tuy nhiên, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, mực nước sông Hồng dâng cao, khiến việc ép cọc, thi công chân kè bị đình trệ. Đặc biệt, gói thầu 14 (kè Cổ Phúc) hiện vẫn còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công.

Những tuyến kè góp phần bảo vệ người dân trong mùa mưa lũ và chỉnh trang đô thị. Ảnh: Thanh Tiến.
Tại hiện trường, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu tỉnh Yên Bái và các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công để đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trước mùa mưa lũ năm nay. Ông nhấn mạnh:
“Việc xây dựng các tuyến kè không chỉ là giải pháp hạ tầng, mà còn là cam kết bảo vệ tính mạng, tài sản và sự phát triển ổn định của người dân vùng ven sông.”
Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái đã tiếp thu những chỉ đạo của đoàn công tác Bộ NN-MT, cam kết sẽ tiếp tục thực hiện giải ngân hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai của Trung ương. Đồng thời kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng tuyến kè sông Hồng ở khu vực thành phố Yên Bái có chiều dài gần 1.500m, kinh phí dự kiến hơn 100 tỷ đồng để đảm bảo an toàn cho người dân ven sông, góp phần chỉnh trang đô thị. |