Sign In

(HỆ THỐNG THỬ NGHIỆM)

Giải pháp chiến lược để ngành Nông nghiệp và Môi trường cán mốc tăng trưởng 4%

20:05 01/04/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Những tín hiệu thị trường khả quan ngay từ đầu năm và điều chỉnh kịp thời trong kế hoạch, sẽ tạo động lực cho ngành NN-MT 'về đích' nhiệm vụ xuất khẩu 65 tỷ USD.

Mở rộng thị trường, tối ưu hóa sản xuất

Chiều 1/4, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp đánh giá Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành NN-MT và tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) năm 2025.

Cuộc họp đánh giá Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành NN-MT và tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 ngày 1/4 tại Bộ NN-MT. Ảnh: Khương Trung. 

Cuộc họp đánh giá Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu tăng trưởng ngành NN-MT và tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 ngày 1/4 tại Bộ NN-MT. Ảnh: Khương Trung. 

Để đạt được mức tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp - môi trường 4% trong năm nay, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ đã rà soát, điều chỉnh và triển khai một số chỉ tiêu và mốc tăng trưởng so với kịch bản ban đầu. Vụ Kế hoạch - Tài chính đã chủ trì xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động năm 2025, đồng thời lấy ý kiến từ các đơn vị liên quan. 

Mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là duy trì giá trị gia tăng của khu vực NLTS ở mức 4% trở lên. Trong đó, giá trị gia tăng của lĩnh vực nông nghiệp dự kiến đạt 3,85%, với mức tăng trưởng của ngành trồng trọt từ 2,4 - 2,9% và ngành chăn nuôi từ 5,7 - 5,98%. Lĩnh vực thủy sản được kỳ vọng tăng 4,35% và lâm nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 5,47%.

Song song với mục tiêu tăng trưởng, ngành nông nghiệp hướng đến tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 65 tỷ USD, phấn đấu chạm mốc 70 tỷ USD.

Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết, để đạt mục tiêu trên, việc tháo gỡ rào cản kỹ thuật là một trong những ưu tiên hàng đầu. 

Ông Phong đánh giá, thị trường Trung Đông có nhiều tiềm năng phát triển. Để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX hiểu về tiêu chuẩn Halal, Cục sẽ tổ chức hội thảo phổ biến các vấn đề quan trọng đối với thị trường Hồi giáo.

Vừa qua, trong chuyến thăm của Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, Brazil đã xem xét việc giảm các yêu cầu kỹ thuật đối với cá tra nhập khẩu, tạo cơ hội thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng sẽ mở cửa thị trường cá rô phi từ Brazil để nâng kim ngạch thương mại NLTS song phương.

Cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Tuy nhiên, trong quý 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả tụt giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Vì vậy Cục sẽ phối hợp với Báo Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Diễn đàn Kết nối nông sản 970 cho ngành rau, củ, quả để bàn giải pháp khắc phục tình trạng này.

Đối với phát triển sản xuất trong nước, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT đang triển khai mũi nhọn: mở rộng Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu và rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp và nông dân.

Theo Cục trưởng Lê Đức Thịnh, Đề án vùng nguyên liệu đang được triển khai trên 11 tỉnh, tập trung vào các loại cây trồng chủ lực tại những vùng sản xuất trọng điểm trên toàn quốc. Bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất, Cục cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu, tổ chức lại sản xuất và thúc đẩy liên kết giữa HTX và doanh nghiệp. 

“Nhờ tiếp cận tổng thể và các chương trình tập huấn nâng cao tay nghề cho nông dân, chi phí nguyên liệu có thể giảm từ 15-20%, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường”, ông Thịnh khẳng định. 

Để đảm bảo hiệu quả triển khai, Cục đã hoàn thiện cuốn sổ tay hướng dẫn xây dựng vùng nguyên liệu. Nhiệm vụ tiếp theo của Cục là tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến vùng nguyên liệu. Đặc biệt, chính sách đầu tư đất đai theo định hướng vùng nguyên liệu sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và HTX ổn định sản xuất. 

Quyết tâm bứt phá

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ để xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết của từng đơn vị mình, đảm bảo kế hoạch sẽ được ban hành trước ngày 5 tháng 4.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trong xây dựng kế hoạch và kịch bản triển khai, chúng ta phải bám sát các quy hoạch, các chương trình, đề án chiến lược mà Chính phủ đã đề ra. Dù trước đây chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng là 3,5%, nhưng nay chúng ta cần điều chỉnh để đạt được 4%. Do đó, một số công việc trước đây được đặt trong quy hoạch dài hạn nay cần phải đẩy nhanh tiến độ”.

Trong đó, nhóm giải pháp cần mở rộng, làm rõ liên quan đến việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh NLTS.

Theo Bộ trưởng, cơ cấu lại ngành phải tập trung vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Chúng ta không thể chỉ chú trọng vào việc nâng cao năng suất đơn thuần, vì diện tích đất đai không thể tăng mãi. Chính vì vậy, tái cơ cấu không chỉ là nâng cao năng suất mà còn bao gồm cả việc tổ chức lại sản xuất hiệu quả.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy định hướng giải pháp chiến lược để ngành NN-MT cán mốc tăng trưởng 4%. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy định hướng giải pháp chiến lược để ngành NN-MT cán mốc tăng trưởng 4%. Ảnh: Khương Trung.

Tiếp đó, cải cách hành chính phải được thực hiện đồng bộ, giảm bớt các thủ tục hành chính phức tạp. Đối với ngành nông nghiệp, cần rút ngắn thời gian nghiên cứu và triển khai các dự án, sản phẩm mới. 

Bộ trưởng nêu ví dụ, trong ngành giống cây trồng, chúng ta mất tới cả chục năm để phát triển một giống mới. Điều này thể hiện rõ sự chậm trễ trong quá trình phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn. 

Về khoa học công nghệ, các đơn vị cần đề cao yếu tố hội nhập quốc tế trong các chiến lược sắp tới. Người đứng đầu ngành NN-MT đồng tình với đề xuất của các đơn vị trong việc xây dựng thương hiệu NLTS uy tín, chất lượng cao và gợi mở, Kế hoạch nên bổ sung thêm các giải pháp để cải thiện công tác chế biến, an toàn thực phẩm và thông tin truyền thông. 

“Trong thời gian qua, việc thiếu thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, giá cả và sản lượng đã dẫn đến nhiều sự hiểu nhầm trong xã hội. Chúng ta cần nâng cao công tác truyền thông, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh hay biến động giá cả.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả quản lý, chúng ta cần một quyển “cẩm nang số liệu”, giống như một quyển lịch bỏ túi, để lãnh đạo Bộ có thể tra cứu mọi thông tin về sản lượng, xuất khẩu, giá cả và các chỉ số quan trọng”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh chiến lược chuyển đổi số. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, mặc dù quý 1 đã kết thúc và chỉ còn ba quý nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng 4%, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của các đơn vị, cơ quan liên quan, các mục tiêu đặt ra hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần phải có các giải pháp cụ thể và rõ ràng hơn, đặc biệt trong việc phân công nhiệm vụ, xác định người chịu trách nhiệm và thời gian hoàn thành các sản phẩm đầu ra.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Kế hoạch - Tài chính, cùng các Cục, Vụ chuyên ngành, cần khẩn trương rà soát lại kế hoạch và đưa ra những giải pháp bổ sung, điều chỉnh cần thiết. Cụ thể, các đơn vị chủ trì và phối hợp cần phải được xác định rõ ràng để tránh tình trạng chồng chéo trách nhiệm, đồng thời đảm bảo rằng các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, các chỉ tiêu tăng trưởng lĩnh vực NLTS trong quý 1 năm 2025 đã có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, khu vực nông nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng khoảng 3,6 - 3,7%, dự kiến đạt mục tiêu ban đầu đề ra.

 

Khương Trung - Quỳnh Chi

Ý kiến

Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam: Giải pháp nào cho nông sản Việt?

Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam: Giải pháp nào cho nông sản Việt?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: 'Với mức thuế mới của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên phải dĩ bất biến, ứng vạn biến'.
Thủ tướng: Có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống

Thủ tướng: Có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống

Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hoàn thiện pháp lý cho mô hình chính quyền hai cấp

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp là cơ hội để xây dựng một hệ thống chính quyền hiệu quả, minh bạch và gần gũi hơn với người dân. Các cơ quan, đơn vị cần tận dụng cơ hội này để hoàn thiện các quy trình, thủ tục, đảm bảo bộ máy vận hành trơn tru và thực sự phục vụ lợi ích cộng đồng.

Người đang online: 1

Lượt truy cập: 297,385

Chung nhan Tin Nhiem Mang