Sign In

Quốc hội bắt đầu bàn sửa Hiến pháp 2013

09:59 05/05/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc, bắt đầu quá trình sửa đổi Hiến pháp 2013 nhằm cải cách tổ chức bộ máy chính trị.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 5/5. Đây là Kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII - Hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng.

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp, gồm 3 nghị quyết về công tác lập hiến và 51 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.

Đặc biệt, Kỳ họp thứ 9 lần này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là nội dung hệ trọng, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, Hiến pháp 2013 được đề xuất sửa đổi. Mục tiêu sửa đổi là nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai rất lớn, có nhiều đổi mới trong cách làm, nhưng thời gian thực hiện không nhiều và phải hết sức khẩn trương, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/6/2025, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhằm thể chế hoá kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung vào 2 nhóm nội dung, đó là: quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại các điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng)

Quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp: các cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời gian 30 ngày, từ 06/5 - 05/6/2025.

Ngay sau lễ khai mạc, lãnh đạo Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Kỳ họp thứ 9 sẽ được khai mạc trọng thể vào sáng nay (5/5/2025) và dự kiến bế mạc vào chiều 28/6/2025. Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Hà Nội) theo hai đợt: đợt 1 từ 5/5 đến 30/5 và đợt 2 từ 11/6 đến hết ngày 30/6. Quốc hội dự kiến sẽ bố trí làm việc cả một số ngày cuối tuần nhằm bảo đảm tiến độ xử lý khối lượng nội dung đồ sộ.
 

Khương Trung - Tùng Đinh

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

15 điểm nghẽn cần tháo gỡ để phát triển khoa học công nghệ

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nêu rõ 15 vấn đề lớn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ.
4 mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

4 mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp

Trình bày tóm tắt Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ 4 mục đích, yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu giảm 30% chi phí và thời gian thủ tục hành chính

Thủ tướng yêu cầu giảm 30% chi phí và thời gian thủ tục hành chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trong năm 2025 bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính.