Chiều 10/5, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, đã diễn ra hội nghị chuyên đề về Môi trường, Tài nguyên nước, Viễn thám, các đại biểu đã thảo luận và đưa các giải pháp, kiến nghị nhằm ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào các hoạt động quản lý nhà nước.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hải – Phó Cục trưởng Cục Môi trường. Ảnh: Khương Trung.
Trong những năm gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, góp phần trực tiếp vào việc xử lý ô nhiễm, quản lý tài nguyên và phát triển bền vững.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hải – Phó Cục trưởng Cục Môi trường, đã chia sẻ chi tiết về những thành tựu, thuận lợi, khó khăn cũng như định hướng phát triển KHCN môi trường giai đoạn tới.
Các nhiệm vụ KHCN về môi trường trong thời gian qua đều được thực hiện bài bản, kết hợp giữa kế thừa thành tựu trước đây và cập nhật những tiến bộ mới. Kết quả từ các đề tài nghiên cứu không chỉ đóng góp cho công tác quản lý, đào tạo mà còn cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện chính sách, pháp luật – đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong xử lý và quan trắc môi trường, một loạt công nghệ xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn đã được phát triển, thử nghiệm thành công, mở đường cho việc nhân rộng và ứng dụng thực tiễn. Các công nghệ tiêu biểu bao gồm xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, hóa lý; xử lý khí thải bằng phương pháp khô và ướt; xử lý rác thải bằng nhiệt phân, đốt rác phát điện, tái chế bùn thải thành vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, nhiều thiết bị hiện đại phục vụ quan trắc đã được chế tạo trong nước, như thiết bị đo nồng độ Ozon, thiết bị đo bụi mịn PM2.5 và PM10 tích hợp cảm biến vi khí hậu. Việc sử dụng mô hình hóa và ảnh vệ tinh để xác định nguồn phát thải là một bước tiến lớn trong công tác giám sát và cảnh báo môi trường.
Về hỗ trợ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường, tính đến nay, đã có 33 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) được áp dụng trong lĩnh vực môi trường, giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và kiểm soát ô nhiễm. Các nghiên cứu KHCN cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới, phù hợp với thực tiễn sản xuất và nhu cầu bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tạo hành lang pháp lý
Đối với hoạt động nghiên cứu KHCN về môi trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ Đảng và Nhà nước. Nhiều nghị quyết và chiến lược phát triển KHCN đã xác định rõ vai trò trung tâm của công nghệ trong công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại như nguồn nhân lực còn hạn chế cả về chất lượng và số lượng, thiếu các chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm; Cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nhân tài, khuyến khích đổi mới sáng tạo; Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn thấp, chủ yếu tập trung vào các vấn đề cấp bách mà thiếu nghiên cứu chuyên sâu, dài hạn; tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn chưa cao. Nhiều đề tài mới chỉ dừng ở mô hình thí điểm, thiếu sự liên kết với doanh nghiệp để thương mại hóa công nghệ.
Ngoài ra, còn tồn tại các vấn đề như cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, thiếu hệ thống dữ liệu khoa học số hóa và hợp tác quốc tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. (Ảnh minh hoạ)
4 kiến nghị thúc đẩy KHCN trong lĩnh vực môi trường
Trước những yêu cầu mới của phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường cần đi theo hai định hướng trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn cho xây dựng chính sách quản lý môi trường, cập nhật các xu hướng mới như kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon và công nghệ số trong quản lý môi trường.
Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, quan trắc, tái chế, đặc biệt là công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, công nghệ thu hồi tài nguyên và năng lượng từ rác thải.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Xuân Hải cũng có một số kiến nghị nổi bật gồm: Tăng đầu tư cho KHCN môi trường, đặc biệt là các phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên sâu; Thực hiện các dự án trọng điểm, tập trung vào công nghệ xử lý ô nhiễm, sản xuất sạch, quan trắc thông minh và số hóa dữ liệu môi trường; Thúc đẩy liên kết giữa nhà quản lý – nhà khoa học – nhà đầu tư – doanh nghiệp, biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, dịch vụ thực tiễn; Tạo cơ chế tài chính linh hoạt, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm, hướng tới các giải pháp có tính ứng dụng và thương mại hóa cao.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hải nhấn mạnh rằng, khoa học và công nghệ không chỉ là nền tảng quan trọng trong quản lý và xử lý ô nhiễm mà còn là chìa khóa mở đường cho phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng.
Để phát huy vai trò này, Việt Nam cần đột phá trong đầu tư, chính sách và hợp tác nhằm đưa kết quả nghiên cứu đi từ phòng thí nghiệm tới thực tế, góp phần kiến tạo môi trường sống xanh, sạch và an toàn cho cộng đồng.