Trước thực trạng khai thác nước ngầm quá mức cùng nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng, Bình Dương đang từng bước thay đổi cách tiếp cận từ khai thác sang bảo vệ.
Từ năm 2023, tỉnh đã hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Những khu vực có dấu hiệu sụt lún, ô nhiễm được đưa vào danh sách hạn chế hoặc cấm khai thác nước dưới đất. Các giấy phép khai thác mới bị dừng ở nơi đã có hệ thống cấp nước tập trung, và các doanh nghiệp được yêu cầu chuyển sang dùng nước mặt hoặc kết nối với mạng cấp nước đô thị.
Không dừng ở chính sách, Bình Dương đầu tư mạnh vào hạ tầng giám sát. Hiện nay, hàng trăm giếng khoan đã được gắn thiết bị quan trắc tự động, gửi dữ liệu theo thời gian thực về Sở Nông nghiệp và Môi trường. Nhờ vậy, các biến động bất thường trong chất lượng nước được phát hiện sớm để có hướng xử lý kịp thời.
Kiểm tra hoạt động khai thác nước dưới đất của doanh nghiệp. Ảnh: Theo báo Bình DươngTại huyện Phú Giáo, nơi người dân từng quen với việc tự khoan giếng hiện đang được triển khai rộng rãi mô hình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Mỗi xã có từ một đến hai trạm cấp nước sạch quy mô nhỏ, cung cấp nước an toàn cho các cụm dân cư. Người dân sống rải rác được hỗ trợ lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình.
Về lâu dài, Bình Dương đặt mục tiêu thay thế phần lớn nhu cầu nước ngầm bằng nước mặt. Hệ thống nhà máy nước Phước Vĩnh và Tam Lập sẽ đóng vai trò chính, sử dụng nguồn nước từ suối Giai và sông Bé, đảm bảo cung cấp ổn định cho cả dân cư và công nghiệp.
Theo ông Lê Văn Tân – Trưởng phòng Tài nguyên nước, Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Dương, bảo vệ nước ngầm phải thay đổi về nhận thức, từ mỗi hộ dân đến doanh nghiệp. Khi tất cả cùng hành động, nguồn nước mới thực sự được bảo vệ.