Sign In

(HỆ THỐNG THỬ NGHIỆM)

Điện Biên chủ động ứng phó sự cố cháy rừng

17:00 25/03/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Điện Biên chủ động phòng chống cháy rừng để giữ gìn 592 nghìn hecta đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó hơn 70% là diện tích có rừng.

Sau thời gian dài bị sụt giảm diện tích rừng, khoảng 10 năm trở lại đây, rừng Điện Biên dần được phục hồi, bảo vệ nghiêm ngặt. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên đạt 44,69%. Bởi thế phòng chống cháy rừng được ưu tiên hàng đầu.

Nhiều nguy cơ cháy rừng

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, diện tích rừng chủ yếu là rừng nghèo kiệt và rừng phục hồi sau nương rẫy. Thảm thực vật dày, vật liệu cháy nhiều, kết hợp với địa hình phức tạp, độ dốc lớn và tập quán canh tác nương rẫy xen kẽ với rừng của người dân khiến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao.

Mặt khác, tình hình thời tiết hàng năm vào mùa khô hanh diễn biến phức tạp, nắng nóng khô hanh kéo dài kèm theo gió phơn Tây Nam khiến nguy cơ cháy rừng rất cao. Trong thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, tỉnh Điện Biên thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng ở cấp IV (nguy hiểm) và cấp V (cực kỳ nguy hiểm).

Đồng thời, với diện tích rừng hiện có của Điện Biên trải đều các huyện vùng cao biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với thói quen sản xuất, tập quán tín ngưỡng phụ thuộc rừng, cho nên một bộ phận người dân do gánh nặng mưu sinh... chưa quan tâm đến việc quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó là tập quán canh tác sản xuất trên nương xen lẫn với rừng, làm nhà bằng gỗ, sử dụng củi làm chất đốt đã tăng áp lực đến việc quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.

Nhiều cánh rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đối mặt với nguy cơ cháy rừng do nắng nóng kéo dài. Ảnh: Trần Hương.

Dự báo sớm, chủ động ứng phó sự cố

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, cho biết: Với trách nhiệm của cơ quan tham mưu quản lý, bảo vệ rừng trong toàn tỉnh Điện Biên, Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu UBND tỉnh, Sở NN&PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức, triển khai thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh trong mùa khô.

Căn cứ tình hình thực tế về diễn biến thời tiết, hiện trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, lực lượng kiểm lâm cần làm tốt công tác dự tính, dự báo để có phương án xử lý kịp thời, không để rơi vào tình trạng bị động, bất ngờ khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Việc phân vùng các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao được thực hiện để có các giải pháp chỉ đạo, phòng cháy rừng hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn. Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy rừng; củng cố các tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng cấp thôn, bản; Xây dựng lịch trực 24/24 giờ vào thời kỳ cao điểm; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, công cụ, phương tiện để ứng phó khi có tình huống cháy rừng xảy ra.

Lực lượng kiểm lâm cùng người dân tuần tra khu vực nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ảnh: Trần Hương.

Trong mùa khô năm 2024 - 2025, lực lượng kiểm lâm đã hướng dẫn các chủ rừng cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh xây dựng 4.752 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và xây dựng 69 phương án phòng cháy, chữa cháy đối với diện tích rừng đã giao, chưa cho thuê do UBND các xã quản lý, bảo vệ; tham mưu UBND các cấp thành lập 10 Ban chỉ huy PCCCR cấp huyện với 278 thành viên; kiện toàn 128 Ban chỉ huy PCCCR cấp xã với 3.549 thành viên; thành lập trên 1.299 tổ, đội với 13.461 thành viên; tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở theo dõi, cập nhật thông tin của Đài Khí tượng Thủy văn Điện Biên và thông tin cảnh báo cháy rừng trên Trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm, lực lượng kiểm lâm ban hành thông báo dự báo cấp cháy rừng khi cấp dự báo cháy rừng ở cấp III, IV, V đến các cơ quan, đơn vị và chủ rừng, để kịp thời triển khai các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng phù hợp, hiệu quả.  Từ tháng 10/2024 đến ngày 13/3/2025, qua theo dõi và sử dụng các thiết bị chuyên dụng, kiểm lâm Điện Biên đã phát hiện 250 điểm cháy, chủ yếu xuất phát từ hoạt động đốt dọn nương rẫy của người dân gần khu vực rừng và cháy lan trên các đồi cỏ tranh, không gây ảnh hưởng đến diện tích rừng

Với những nỗ lực trên, công tác bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống cháy  rừng tại tỉnh Điện Biên đạt được những kết quả tích cực, góp phần giữ gìn tài nguyên rừng và hạn chế nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới.

Trần Hương

Đánh giá bài viết:
(lượt đánh giá: 0, trung bình: 0)

Đề xuất bổ sung việc tạm sử dụng rừng để xây dựng công trình tạm phục vụ thi công các dự án đường giao thông

Dự thảo Nghị định quy định bổ sung việc tạm sử dụng rừng để xây dựng công trình tạm phục vụ thi công các dự án đường giao thông, đường sắt để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đây là các hạng mục cần thiết, cấp thiết để thực hiện các dự án đường giao thông, đường sắt (như đường vận chuyển trang thiết bị, vật liệu xây dựng cũng như lắp đặt đường ray…). Do đó, việc được tạm sử dụng rừng để thi công các dự án đường giao thông, đường sắt có ý nghĩa to lớn và tác động tích cực đến tiến độ thực hiện và hiệu quả thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Bàn giao hơn 15.000 cây giống phục hồi rừng

Bàn giao hơn 15.000 cây giống phục hồi rừng

Hơn 15.000 cây giống sẽ được trồng để làm giàu rừng bản địa và rừng ngập mặn, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc vệ môi trường, bảo vệ rừng.
Đội liên ngành bảo vệ rừng trên dãy Trường Sơn

Đội liên ngành bảo vệ rừng trên dãy Trường Sơn

Các lực lượng và chủ rừng thường xuyên chủ động bố trí lực lượng túc trực để canh giữ, bảo vệ những cánh rừng trên dãy Trường Sơn…

Người đang online: 1

Lượt truy cập: 370,701

Chung nhan Tin Nhiem Mang